Thiếu sân chơi, thiếu nơi bầu bạn

Cứ 5h sáng, ông Nguyễn Hữu Đức (65 tuổi, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) lại thức dậy, sau 5 phút vệ sinh cá nhân là ông đã dắt được chiếc xe đạp ra khỏi nhà để chỉ 5 phút sau đã có thể tụ họp với các cụ cao niên khác trong nhóm đạp xe thể dục buổi sáng. Cung đường của các ông không cố định, nhưng đa phần đi quanh khu dân cư với cự ly dưới 10km tùy tình hình thời tiết, với mục đích rèn luyện sức khỏe và giao lưu, trò chuyện tâm giao tuổi già.

Nhóm đạp xe của ông Đức có 14 thành viên, trong đó chỉ có 2 bà, còn lại là các ông. “Chúng tôi không đạp ra các tuyến quốc lộ hay đi vào đường hầm mà chỉ là đạp quanh khu dân cư hoặc các công viên gần nhà. Tôn trọng cộng đồng, rèn luyện sức khỏe và quan trọng nhất là được gặp những bạn đồng niên, đồng tuế giao lưu ngoài đạp xe thì chơi cờ, ăn sáng, uống trà… những thú vui của tuổi già”, ông Đức nói.

6 san choi cho nct hh linh dam.png
Nhóm thanh niên mở nhạc đám ma ngay trước mặt các cụ cao tuổi ở HH Linh Đàm.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số người già trên 60 tuổi ở nước ta hiện chiếm hơn 10% và đang tiếp tục tăng nhanh khi điều kiện sống được nâng cao. Người cao tuổi – những cây cao bóng cả trong mỗi gia đình vừa là nguồn lực xã hội, nhưng cũng là nhóm đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt, nhất là những nhu cầu của đời sống tinh thần và nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, những người cao tuổi đã có thể an trí tuổi già như ông Đức hiện chưa nhiều, trong khi đa phần người cao tuổi vẫn còn phải vật lộn mưu sinh.

Bài viết này xin không đề cập những khó khăn của nhóm người cao tuổi như lương hưu, bệnh tật hay vẫn phải vất vả lao động mà chỉ xin đề cập 2 khía cạnh: nhu cầu chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh tinh thần của người cao tuổi. Đây cũng là 2 nhóm nhu cầu đang ngày một lớn dần khi tỉ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh, trong khi hệ thống y tế chưa theo kịp; sân chơi cho người cao tuổi cũng chưa đáp ứng.

Bà Nguyễn Thị Dần (64 tuổi, sống tại khu chung cư HH Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Tôi lên trông cháu cho các con đi làm, những lúc rảnh rỗi thì cùng các ông bà có chung hoàn cảnh (đi trông cháu) xuống sân chung cư ngồi hóng mát, trò chuyện hoặc tập thể dục giữ gìn sức khỏe. “Thế nhưng khu dân cư quá đông đúc, sân chơi không có nên việc có được không gian ngồi nói chuyện cùng nhau đã khó chứ đứng nói tới việc muốn tập tành thứ gì đó. Gần đây, chúng tôi còn bị các cháu thanh niên “chiếm chỗ” khi vác cả loa kéo xuống phát nhạc đám ma để đuổi chúng tôi nhằm giành lấy chỗ”, bà Dần lắc đầu ngán ngẩm.

Bệnh tật đeo đuổi, nhiều tâm sự khó nói

Lên trông cháu cho con trai được hơn một năm thì bị tai biến nhẹ, ông Trần Văn Thức (63 tuổi, quê Vụ Bản, Nam Định) đang sống tại khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính chia sẻ: Do về nghỉ mất sức lao động nên không có lương hưu, bảo hiểm y tế. Nay bước vào cái tuổi U70, chưa phải là cao, nhưng sau đợt tai biến nhẹ cộng với các bệnh tuổi già như mỡ máu, huyết áp, xơ vữa động mạch, thoái hóa khớp… nên giờ đây ông gần như trở thành gánh nặng cho các con. Về quê thì ông phải ở một mình không người chăm sóc, vì vợ ông đã mất cách đây chục năm do tai nạn giao thông. Ở lại với con trai thì thấy con quá vất vả, ngoài việc đi làm, đưa đón con cái học hành rồi lại còn phải chăm cơm nước, thuốc men cho ông.

“Tiền thuốc men, tiền khám bệnh còn tốn hơn cả mua thực phẩm. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết sớm để đỡ vất vả cho con, bởi nhìn các cháu vất vả đẩy xe lăn cho mình xuống sân chung cư hóng gió, vừa chăm cho con học bài buổi tối mà tôi nước mắt cứ trào ra. Con trai tôi thương tôi hết mực, nó chả phàn nàn gì. Con dâu cũng biết ý, thu vén gia đình để chồng nó có thời gian chăm tôi. Càng như vậy tôi càng cảm thấy có lỗi với con cháu”, ông Thức chia sẻ và tặc lưỡi “chuyện sống chết là do ông trời định đoạt”.

Không giống ông Thức, bà Dần ở HH Linh Đàm ngoài việc bị các cháu “chiếm” mất chỗ nói chuyện với các bạn già thì chuyện gia đình bà cũng có nhiều tâm sự. Bà có 3 đứa con, mỗi đứa sống một nơi (Quảng Ninh, TP.HCM và Hà Nội). Vì gần nhà nhất lại thương thằng út nhất nên bà lên Hà Nội trông cháu cho nó, bỏ ông ở nhà một mình. Khu đất ở quê, nhà nước làm đường tăng giá nên các con muốn bán đi để lấy vốn làm ăn hoặc mua chiếc xe hơi đi lại cho bằng bạn, bằng bè. Thế nhưng, chia đều hay chia cho con trai nhiều hơn? Rồi chuyện thằng cả làm ăn kinh doanh thất bại, đã dành cho nó hẳn miếng đất riêng để sau này làm chỗ hương hỏa vậy mà nó cũng muốn bán nốt để trả nợ khiến bà rất phiền lòng khi bà là dâu trưởng họ.

Quả thực, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, những nhu cầu và tâm sự của người cao tuổi hiện nay là các vấn đề xã hội rất đáng nghiên cứu để đưa ra những chính sách an sinh xã hội phù hợp. Trong gia đình, con cái báo hiếu mẹ cha; ngoài xã hội, hệ thống an sinh có vai trò nâng đỡ người cao tuổi – có như vậy mới đúng với truyền thống tốt đẹp của người Việt. Tuy nhiên, để làm được 2 điều ấy, tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng lại là một thách thức không nhỏ của Việt Nam nói chung (khi ngân sách còn eo hẹp) cũng như các gia đình nói riêng (do điều kiện kinh tế, điều kiện sống…). Chính vì thế, chăm lo cho người cao tuổi hiện nay đang là nhiệm vụ chung của toàn xã hội là như như vậy.

Lê Giáp Việt Hoàng, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Phương Thúy, Vũ Việt Bảo Phùng