Kiến trúc hạnh phúc vì con người, vì văn hóa

Bàn về bản sắc trong kiến trúc, KTS. Hoàng Thúc Hào chia sẻ:  Những công trình như Hồ Gươm, Hoàng thành, trường học, hay nhà ở,… sẽ góp phần làm ra bản sắc Hà Nội. Nhiều công trình ngạc nhiên bền vững cùng tạo ra mã gene quy hoạch của vùng đấy. Mã gene cũng có quá trình, gắn liền với thiên nhiên, phong tục tập quán, lối sống nơi đó.

Chẳng thấy có thủ đô nào lại nhiều làng và mặt nước trong đô thị như Hà Nội. Thủ đô có Hoàng thành Thăng Long, các làng nghề. Hà Nội bắt buộc phải có những công trình đối thoại với lịch sử, văn hóa, khung cảnh thiên nhiên, mới tạo ra mã gene của chính nó.

W-nhatho.png
Nhà thờ lớn Hà Nội

Thế nhưng, nhiều khu đô thị mới hiện nay được biến thành Băng Cốc. Chúng ta nên làm gì? Biến những làng xưa như thế nào cho đúng Hà Nội? Tại sao không thiết kế nhà cao tầng thành làng theo chiều đứng, rất Hà Nội? Đó chính là mã gene.

Trong 2 - 3 năm tới, chúng tôi sẽ giải mã gene quy hoạch Hà Nội, Hội An, Huế… Đây là bước tiếp theo khẳng định kiến trúc hạnh phúc vì con người, vì văn hóa. Chúng tôi sẽ không dùng hoàn toàn công trình của mình phân tích, mà đúc kết từ nhiều công trình của KTS khác nữa. Bởi một mã gene phải được tạo nên từ hàng nghìn kiến trúc sư.

KTS lãnh trách nhiệm đi trước mở đường, với những ý tưởng xuất phát từ các quan sát và thử nghiệm mô hình trong thực tiễn, qua từng dự án để kiểm chứng tính thích hợp. Ba bên còn lại là NHĐ, NNC và CĐDC cần theo sát KTS và hỗ trợ KTS. Để đóng góp được nhiều nhất cho xã hội, vì mục tiêu nhân văn cao cả, vì hạnh phúc con người, KTS phải tổng kết và chuyển hóa các kiến thức chuyên môn thành mô hình cơ bản, sáng tạo không ngừng ra những biến thể khác nhau theo từng kịch bản phát triển, dựa trên yếu tố “gen” kiến trúc đã xác định. Hướng này chính là lối đi tắt nhằm tiết kiệm thời gian và nhân lực cũng như vật lực của một quốc gia còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam.

Bài học đáng giá về cân bằng lợi ích trong bảo tồn di sản

Nhìn lại sự phát triển của kiến trúc trong hơn 20 năm qua, có thể thấy dường như những cấu trúc di truyền có căn tính tốt đã mất mát hao hụt đi rất nhiều, thay vào đó là nhiều biến dị bất lợi. Những vấn đề tiêu cực biểu hiện trong kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản đô thị, phát triển nhà ở đô thị, cảnh quan đô thị…

Một số đô thị nổi tiếng về cảnh quan thơ mộng và kiến trúc đẹp như Đà Lạt ở phía Nam và Sapa ở phía Bắc giờ đã bị bê tông hóa trên 80%. Mặt biển Quảng Ninh bị san lấp, quy hoạch phân lô, vây hãm các đảo đá vôi. Bờ biển ở Đà Nẵng và Nha Trang… bị resort hóa, khách sạn hóa san sát, ngăn người dân từ phố bước ra dạo biển.

Đó là sự phá hủy nhân danh phát triển, là thất bại rõ ràng của giới chuyên môn có tâm nhưng bất lực trước các chủ đầu tư đầy tiềm lực tài chính nhưng thiếu kiến thức, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích lâu dài của toàn thể cộng đồng. Khắc phục, sửa chữa các sai lầm này mất rất nhiều thời gian, công sức thậm chí là không thể khôi phục những giá trị từng có.

Bảo tồn và phát triển là bài toán muôn thuở, cuộc sống vận hành không ngừng luôn đặt ra những nhu cầu mới, song cũng cần tiếp thu và bảo tồn những giá trị cũ đã đi qua. Xã hội hiện đại phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hóa ngày một sâu rộng, những gì là “riêng biệt”, là “bản sắc”, là “độc đáo”, ngày càng trở nên “hiếm có khó tìm”, càng được đề cao và coi trọng.

Bài học rút ra từ trường hợp Làng cổ Đường Lâm, người dân đồng loạt ký đơn kiến nghị trả lại danh hiệu di sản, trong khi nhiều nơi khác người dân ao ước nhận danh hiệu di sản nhưng chưa toại nguyện. Lý do cho hành động “khó hiểu” này là người dân được hưởng lợi rất ít từ các hoạt động khai thác giá trị di sản, đồng thời phải chịu nhiều bất tiện trong cuộc sống khi cả làng bị “đóng dấu di sản”, không thể sửa chữa nhà đã xuống cấp, không thể mở rộng xây mới khi con cái đến tuổi trưởng thành, hay kết hợp, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình… Đây là một bài học đáng giá về cân bằng lợi ích trong bảo tồn di sản.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV