TP.HCM được mệnh danh là đầu tàu của nền kinh tế cả nước nên như Thủ tướng nói “thành phố gặp khó khăn thì cả nước cũng bị ảnh hưởng”. Và điều đáng lo là trong thời gian gần đây đà tăng trưởng kinh tế của thành phố sụt giảm sâu.

Trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được lãnh đạo thành phố báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc vào ngày 16/4 có một nguyên nhân không kém phần quan trọng và đáng chú ý. Đó là sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc. Thậm chí như Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhận định, có tình trạng “co cụm, cầu an và thận trọng quá mức” của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thông tin Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết một lần nữa minh chứng cho tình trạng co cụm, cầu an của cán bộ, công chức ở TP.HCM. Đó là trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, các vấn đề được hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố. 

Trong lúc Bộ Chính trị đang chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Chính phủ đang xây dựng nghị định để cụ thể hóa chủ trương này thì tình cảnh của TP.HCM chính là một hồi chuông báo động để thúc đẩy sự ra đời càng sớm một hành lang pháp lý.

Cũng vì thế mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xác nhận, TP.HCM cũng đã làm nhiều việc nhưng "chỉ làm được tới mức khuyến khích, động viên, còn bảo vệ thì chờ Quốc hội, Chính phủ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành xử lý 29 đề xuất, kiến nghị của TP.HCM trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng thành phố giải quyết các khó khăn, vượt qua các thách thức, tự tin, vững bước đi lên. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng đã đưa ra thông điệp về giới hạn, chỉ mốc cho tình trạng trì trệ của một vài bộ ngành Trung ương cũng như địa phương rằng: “Nhiều kiến nghị của TP.HCM thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành. Nếu bộ, ngành không giải quyết thì Chính phủ sẽ quyết và xử lý trách nhiệm vì không kiên quyết, không dám nghĩ, dám làm”. 

Đó cũng là thông điệp đoạn tuyệt những suy nghĩ e ngại, cầu an trong thực thi công vụ ở không ít cơ quan mà người đứng đầu Chính phủ muốn lan tỏa đến các bộ ngành, địa phương.

Sự thận trọng quá mức gây sức ì lớn và tâm lý không mấy hứng khởi, tươi tắn ở không ít công sở. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức viên chức cần nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình phát triển hiện nay, đất nước cần những cá nhân nổi trội, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như những mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. 

Từ kinh nghiệm lãnh đạo, cầm quyền trong quá khứ, Đảng ta nhận thấy, vào những thời khắc quan trọng có tính bước ngoặt để tạo đà phát triển thì những chất xúc tác về mặt chủ trương như các yếu tố động viên, cổ vũ, khơi dậy tất cả các nguồn lực của đất nước và hệ thống chính trị là ưu tiên số một. 

Đặc biệt, trước các hiện tượng chững, chậm lại, thậm chí thoái trào các nguồn lực cho sự phát triển thì việc ra đời một chủ trương về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là rất đúng đắn và kịp thời. 

Bằng cách nào để đảm bảo an toàn cho những cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm? Chắc chắn chúng ta không mong muốn phải chờ lịch sử đánh giá công, trạng của những cán bộ năng động, sáng tạo như đã thấy trước đây. 

Bài toán đặt ra là lớp cán bộ cán bộ dám nghĩ, dám làm xuất hiện trước những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống phải được “xắn tay” xử lý có hiệu quả công việc trong quá trình công tác của mình và các kết quả thành công phải được đánh giá, ghi nhận ngay.

Yêu cầu đầu tiên với những cán bộ này là ngoài việc nắm rõ chủ trương, tham mưu, đề xuất ý tưởng, kế hoạch và phối hợp thông suốt với các cấp có thẩm quyền, và khi triển khai, tiến hành trong thực tế cũng cần tham khảo kinh nghiệm từ lịch sử để đảm bảo an toàn của đội ngũ cán bộ tiên phong. 

Tức là cần thiết tìm kiếm cho mình những “đồng minh”. Có thể là cách thức “chiêu hiền, đãi sĩ”, cụ thể là sự mời mọc tham gia của những cá nhân, nhà khoa học, cán bộ lão thành có uy tín, tầm ảnh hưởng và tiếng nói trách nhiệm vào một trong các khâu có thể tiến hành của một quyết định hoặc các chính sách mang tính sáng tạo. Đồng thời công khai thông tin tới các cơ quan truyền thông, báo chí và người dân và sẵn sàng chuẩn bị năng lực giải trình khi cần thiết.

Việc này còn có ý nghĩa như là sự “bảo trợ về chính trị” cho cá nhân dám nghĩ, dám làm. Rõ ràng là sự ngay ngắn, khuôn thước xuất phát bởi động cơ tốt đẹp, trong sáng khi được chia sẻ, động viên và kết nối từ những người được Đảng tin tưởng thì bệ đỡ về niềm tin sẽ giúp các chủ thể năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vượt qua thử thách, khó khăn từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo của mình. 

Vấn đề quan trọng lúc này là giải phóng, khơi thông tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo vượt qua nỗi lo riêng mà dám nghĩ, dám làm. Đồng thời tạo ra sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân trước những nhân tố mới, những con người tích cực và những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì khi ấy sức mạnh của dân tộc và thời đại được nhân lên bội phần.