Sự phổ biến của ChatGPT khiến nhiều người nghĩ về việc ứng dụng nó, và các công cụ AI khác, vào nhiều lĩnh vực hơn. Một trong số đó là lĩnh vực xe hơi.
Hiện nay màn hình trung tâm trên ô tô đang được sử dụng để điều hướng, giải trí, tìm kiếm thông tin, và để chẩn đoán bệnh trên xe.
Các trợ lý phổ biến hiện nay gồm có Siri trên Apple CarPlay, hay Google trên Android Auto. Tại Việt Nam, VNG đã phát triển Kiki, một trợ lý ảo đi kèm với Zing MP3 để điều khiển nhạc.
Theo bài viết của hãng nghiên cứu Counterpoint, tiềm năng mạnh mẽ của ChatGPT, cộng với sức mạnh các bộ xử lý và nhu cầu của ngành công nghiệp xe hơi, việc trợ lý ảo trên xe có thể làm nhiều thứ hơn là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.
Theo đó, do ô tô đang được hướng đến như một thiết bị hoạt động trên các phần mềm điều khiển, AI có thể tiến thêm một bước bằng cách kiểm soát tất cả các chức năng của phương tiện.
Không chỉ dừng lại ở trợ lý giọng nói, AI có thể trở thành trợ lý kỹ thuật số trong xe hơi - giúp giải đáp các thắc mắc về bản thân chiếc xe, và đề xuất sửa chữa các hỏng hóc cơ bản. Ngoài ra, AI còn có thể là bộ não trong các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến khác (ADAS - advanced driver assistance systems). Nó cũng có thể trở thành nhân tố trung tâm giao tiếp với người dùng đối với xe tự lái, các hệ thống kiểm soát hành trình...
Để phát triển được các tính năng tiên tiến này, màn hình trung tâm phải có giao diện đơn giản, thân thiện với người dùng. Trong đó, trợ lý ảo đóng vai trò hạt nhân trong việc phát triển các tính năng tiếp theo.
Hiện có một số trợ lý giọng nói ảo phổ biến trên thị trường, như Amazon Alexa, Google Assistant, Apple Siri, Microsoft Cortana, Samsung Bixby, Baidu Duer và Xiaomi Xiao AI. Ngoài ra, còn có các trợ lý giọng nói ảo độc quyền khác được thiết kế dành riêng cho ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như Cerence, SoundHound Houndify, Harman Ignite và Nuance Dragon Drive.
Phần lớn các trợ lý ảo này trong ngành ô tô được tạo ra để tích hợp liền mạch với hệ thống thông tin giải trí trên xe. Các tính năng bao gồm gọi điện thoại rảnh tay, cập nhật thời tiết, phát nhạc và điều hướng.
Hơn nữa, chúng được thiết kế để nhận biết và phản hồi các lệnh ngôn ngữ tự nhiên, cho phép người lái tương tác với phương tiện của họ một cách trực quan và dễ dàng hơn. Những trợ lý giọng nói ảo này cho phép người lái xe giữ tay trên vô lăng nhưng mắt vẫn nhìn trên đường.
ChatGPT có thể nói ngôn ngữ tự nhiên và trò chuyện như con người, vì đây là mô hình ngôn ngữ đã được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản. Trong quá trình đào tạo, ChatGPT đã tiếp xúc với một lượng lớn dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên, chẳng hạn như sách, bài báo và trang web. Điều này cho phép nó học các mẫu và cấu trúc của ngôn ngữ con người, bao gồm ngữ pháp, từ vựng, cú pháp và ngữ cảnh.
Do vậy, việc đưa ChatGPT hay các công cụ AI tương tự vào lĩnh vực xe hơi là điều dễ nhận thấy. Các công cụ này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong việc điều khiển xe hơi.
Mặc dù tiềm năng như vậy, việc phát triển một trợ lý ảo ngôn ngữ tự nhiên để sử dụng trong ô tô là một quá trình phức tạp và tốn thời gian, đòi hỏi nhiều lần đào tạo và tinh chỉnh.
Do quá trình phát triển đòi hỏi một lượng dữ liệu, tài nguyên tính toán và chuyên môn đáng kể nên theo Counterpoint, chỉ một số công ty như Microsoft, Tesla, NVIDIA, Qualcomm, Google và Baidu mới có đủ nguồn lực để thực hiện công việc này. Sự phát triển của công nghệ ước tính sẽ mất từ ba đến bốn năm.
Những nhà sản xuất ô tô lâu đời với quy mô kinh tế đáng kể, kết hợp với các hãng sản xuất bán dẫn hàng đầu và công ty phát triển phần mềm khổng lồ mới có thể tài trợ cho các sáng kiến này.