Lời tòa soạn: ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển với khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi của người sử dụng.  Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng; bỏ xa các hiện tượng công nghệ khác. Cùng với sự nổi lên của ChatGPT, có không ít vấn đề xoay quanh chương trình AI này được "mổ xẻ". Đó là những câu chuyện về khả năng của công nghệ AI, tính ứng dụng hay các vấn đề pháp lý.  VietNamNet gửi tới độc giả tuyến bài câu chuyện ChatGPT dưới góc nhìn của giới công nghệ Việt Nam.

Không “thần thánh hóa” ChatGPT và cũng không nhìn nhận tiêu cực, lựa chọn thái độ bình tĩnh đón nhận các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) là quan điểm được ông Nguyễn Thế Hùng, CEO công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES), người sáng lập startup DauThau.info - nền tảng công nghệ giúp tìm kiếm thông tin thầu, chia sẻ với VietNamNet. 

CEO Công ty VINADES Nguyễn Thế Hùng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện

Trước ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI) đã là từ khóa “hot” của ngành công nghệ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Còn nhớ, cách đây vài năm, Big data và AI là những từ khóa được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam. Sau đó, một loạt sản phẩm công nghệ được giới thiệu là ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã ra đời. Đặc biệt, các chatbot được “gắn” mác AI nhiều vô kể. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm gây khó chịu cho người dùng và bị các doanh nghiệp quay lưng khi hiệu quả sử dụng kém. 

Bản thân ChatGPT cũng không phải là sản phẩm mới ra đời trong thời gian ngắn. Công cụ này xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở OpenAI và mô hình AI tự học GPT-3 (ra đời năm 2020). Thời điểm đó, OpenAI có lẽ là công ty công nghệ duy nhất cung cấp API truy cập tới AI GPT-3 cho công chúng, mọi người chỉ việc đóng tiền là sử dụng được. Thế nhưng, việc tiếp cận API chỉ dành cho các nhà phát triển và lập trình viên nên OpenAI nhận được ít sự quan tâm hơn mong đợi. Cuối năm 2022, OpenAI quyết định tung ra ChatGPT – sản phẩm được phát triển trên một phiên bản chỉnh sửa của GPT-3, thường gọi là phiên bản 3.5, để người sử dụng thông thường có thể thử nghiệm, thay vì chỉ có các lập trình viên như trước đây. 

Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT của OpenAI đã chạm mốc 100 triệu người dùng. (Ảnh: Trọng Đạt)

Dưới góc nhìn truyền thông, ChatGPT là một chiêu tiếp thị vô cùng thành công giúp OpenAI vực dậy mảng kinh doanh của mình và buộc các nhà phát triển, lập trình viên phải quan tâm và tích hợp OpenAI vào sản phẩm, dịch vụ của họ. Sự quan tâm của công chúng với ChatGPT cũng khiến các nhà đầu tư hưng phấn sẵn sàng rót tiền cho OpenAI và đặt báo động đỏ cho các ông lớn về công nghệ buộc họ phải quyết liệt hơn với việc nỗ lực đưa các phần mềm AI vào phục vụ kinh doanh nhằm tránh bị vượt mặt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, OpenAI từng cung cấp nhiều sản phẩm AI chuyên biệt nhưng chưa có sản phẩm nào quá thành công về mặt truyền thông vì chỉ tập trung vào một nhóm chức năng nhất định. ChatGPT thì khác, nó là một AI “chung chung” cung cấp mọi thông tin mà người dùng hỏi, từ lập trình tới thông tin từ cổ chí kim. Đây là chuyện người thường không thể làm được do giới hạn của trí nhớ và khả năng lưu trữ thông tin. Cũng vì thế, mọi người dễ chấp nhận tính tương đối hoặc một tỷ lệ thông tin có thể bị sai. 

Phản hồi tích cực của người dùng khiến cho các nhà phát triển AI nói riêng và doanh nghiệp công nghệ nói chung "sôi sục". Tới đây, nguồn tiền đầu tư sẽ tiếp tục được rót nhiều vào AI và chắc chắn sẽ giúp sức không nhỏ giúp thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ.

Cá nhân tôi cho rằng, ChatGPT cũng là dấu hiệu cho thấy “độ chín" của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo khi có thể tạo ra nhiều sản phẩm tương tác tốt hơn với con người, không chỉ đơn giản như những chatbot hỗ trợ sản phẩm có phần “ngờ nghệch” và ít thông tin mà trước đây công chúng gặp phải. Các doanh nghiệp đều sẽ chú trọng tích hợp ChatGPT vào hệ thống chat hỗ trợ khách hàng. Còn các doanh nghiệp công nghệ sẽ có thêm việc làm. 

Hãy bình tĩnh ứng dụng ChatGPT và hưởng thụ thành quả từ AI

Bên cạnh sự ấn tượng với khả năng của ChatGPT trong lĩnh vực lập trình, chúng tôi khá bất ngờ với khả năng học hỏi của ChatGPT khi trò chuyện với người sử dụng.

Dẫu vậy, tôi cho rằng ChatGPT không thể thay thế lập trình viên nhưng nó sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phát triển phần mềm, cụ thể như hỗ trợ viết code nhanh hơn, thậm chí là giúp mọi người học lập trình. 

Thử nghiệm của VINADES cho thấy ChatGPT có khả năng lập trình xuất sắc, không chỉ biết ngôn ngữ lập trình mà còn hiểu khá sâu về một sản phẩm mã nguồn mở nhất định.

Với cách tiếp cận đó, việc cần làm đầu tiên của chúng tôi là thay đổi đề thi tuyển dụng hoặc giám sát quá trình làm của ứng viên vì các câu hỏi giải thuật hiện ChatGPT có thể xử lý dễ dàng. Tiếp theo, là tích hợp ChatGPT vào phần mềm lập trình để hỗ trợ các lập trình viên code nhanh hơn. Sau cùng là xem xét sử dụng ChatGPT tích hợp vào các phần mềm chatbot hỗ trợ khách hàng về sản phẩm, dịch vụ…

Nhìn chung, ChatGPT khá hay ho! Song thần thánh hóa ChatGPT quá như việc so sánh OpenAI có thể lật đổ cỗ máy tìm kiếm Google lại là sai lầm vì chúng là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, sẽ song hành và phục vụ các mục đích khác nhau. ChatGPT chỉ là một sản phẩm AI tương tự như nhiều sản phẩm AI khác và thử nghiệm thực tế cho thấy nó còn nhiều sai sót. Do vậy, các sản phẩm đạt “độ chín” nhất định như ChatGPT nên được ứng dụng vào sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp một cách phù hợp.

Phần mềm nguồn mở OpenAI có mã nguồn công khai và miễn phí, vì thế sử dụng OpenAI để phát triển một sản phẩm trí tuệ nhân tạo mới không khó. Cái khó là đủ dữ liệu và nguồn lực nhằm huấn luyện nó đạt được kết quả như ChatGPT. Tự triển khai một sản phẩm AI có lẽ chỉ dành cho các doanh nghiệp có nguồn lực lớn với ngân sách cả triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Với doanh nghiệp nhỏ, cách nhanh nhất là sử dụng API mà các AI như ChatGPT cung cấp để tích hợp vào các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Nguyễn Thế Hùng, CEO Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam

Bài 4: Đừng kỳ vọng ChatGPT sẽ thay thế con người trong một sớm một chiều