Sau 2 thập niên đầu thế kỷ 21 bị phân tâm bởi nhiều vấn đề, hai cường quốc đang lún sâu vào cuộc cạnh tranh vị trí đứng đầu. Cuộc cạnh tranh ấy đe dọa chia cắt thế giới theo đường lối ý thức hệ chưa từng xảy ra trước đây.
Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông. Ảnh: EPA-EFE |
Với nỗ lực tạo ra một bức màn sắt mới này, phần còn lại của thế giới một lần nữa đang bị buộc phải chọn bên. Nhân loại đã quá quen với trải nghiệm chiến tranh khi các cuộc tấn công gây chết chóc hạn chế ở những nơi xa xôi đang ảnh hưởng quy mô toàn cầu và có xu hướng liên quan đến hạt nhân.
Hai cường quốc đòi hỏi sự trung thành và liên kết, bằng cách sử dụng các công cụ pháp lý về đặc quyền ngoại giao và kiểm soát chuỗi cung ứng.
Chiến trường tranh giành quyền lực
Không giống như cuộc chiến tranh Lạnh đầu tiên giữa phương Tây và Liên Xô với tâm điểm là châu Âu, châu Á hiện là chiến trường chính cho cuộc tranh giành quyền lực lớn của thế kỷ 21.
Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự của họ khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện cũng có những bàn luận về một hạm đội hải quân đầu tiên đồn trú tại Đông Nam Á. Các lực lượng hải quân của Pháp, Đức, Hà Lan và Anh đều đã lên kế hoạch cử tàu tới hỗ trợ các hoạt động tự do tập trận hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Vào thế kỷ 17, các quốc gia châu Âu cử thuyền bè đến châu Á để tìm kiếm sự giàu có từ việc buôn bán gia vị. Ngày nay, họ đang phái các đội tàu hải quân đắt tiền tới Biển Đông với nỗ lực duy trì sự gắn kết và củng cố ảnh hưởng đang lung lay của các cường quốc phương Tây.
Ví dụ, Anh mới có một tuyên bố chính sách toàn diện, nhấn mạnh nước này là “lực lượng vì điều tốt đẹp trên thế giới”. Hà Lan cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình, quả quyết cần phải có tiếng nói lớn hơn nhằm chống lại các động thái gây hấn của Trung Quốc, vốn đe dọa sự tự do tiếp cận các tuyến đường biển trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang học hỏi từ quá khứ. Việc khống chế thành công đại dịch Covid-19 đã tạo ra những xung động hướng nội, lặp lại thời đại mà sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài bị phản đối và được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội.
Tàu Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển. Ảnh: Chinese military |
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới do nhu cầu trong nước tăng cao thời kỳ hậu dịch bệnh. Hàng triệu khách du lịch Trung Quốc từng xếp hàng mua đồ hiệu ở Paris và London giờ đây đang chi tiêu trong nước. Việc hướng nội cũng giúp củng cố các quan điểm dân tộc chủ nghĩa và siết chặt kỷ luật tư tưởng.
Phân cực và chia rẽ
Bị kẹt ở giữa là một loạt các quốc gia nhỏ hơn không có cùng các giá trị như tuyên bố của người Mỹ và châu Âu cũng như không tận hưởng viễn cảnh về một khu vực đồng thịnh vượng do Trung Quốc lãnh đạo. Sự hoài nghi lẫn nhau khiến các nước không cùng hành động trong các liên minh. Giữa các xã hội quá đa dạng và chỉ hội nhập một phần cũng không có sự tương thích về hệ tư tưởng.
Do đó, các hạt giống của sự phân cực đang rơi rớt trên nền đá ở châu Á. Khó có thể dựng lên một bức màn sắt thực sự hiệu quả giống như vào những năm 1950, khi Mỹ và Trung Quốc cũng cố gắng và thất bại trong việc tạo lập những quốc gia phụ thuộc ở khu vực Đông Nam Á mới giành được độc lập, chỉ còn lại di sản chiến tranh và mất mát của người dân.
Vậy thuốc giải độc tốt nhất cho nỗ lực thâu tóm ảnh hưởng dưới vỏ bọc mới là gì? Với cuộc đấu tranh chống thực dân vẫn còn mới mẻ sau những năm 1950, phong trào không liên kết đã tìm cách xây dựng một con đường trung dung, dẫn đầu châu Á bởi Ấn Độ và Indonesia.
Ngày nay, có những nỗ lực nhằm khuyến khích các cường quốc quy mô trung bình tham gia quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực trở thành nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 của Ấn Độ đã tan thành mây khói khi Mỹ, Nga và Trung Quốc phải gấp rút hỗ trợ sự sụp đổ mang tính thảm họa của hệ thống y tế tại quốc gia Nam Á.
Mỹ đang sử dụng công nghệ làm mũi nhọn, nâng cao mối quan tâm về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu nhằm ngăn chặn sự phát triển của các hãng công nghệ Trung Quốc, bắt buộc thực hiện các điều chỉnh tốn kém đối với các chuỗi cung ứng.
Trung Quốc đang sử dụng biện pháp ngoại giao vắc xin, khai thác việc phân phối vắc xin chậm chạp từ phương Tây để đảm bảo các thỏa thuận mua sản phẩm của họ trong khu vực.
Chậm rãi nhưng chắc chắn, một sự chia rẽ đang mở ra ở châu Á. Đáng buồn thay, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi súng bắt đầu khai hỏa và khu vực phải trải qua một loạt các cuộc xung đột khác mà họ không có phần nhưng phải trả giá bằng máu.
Quỳnh Anh (Theo SCMP)
Tân Đại sứ Mỹ và Trung Quốc: Người neo giữ quan hệ 2 cường quốc
Ông Burns và ông Tần là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đều không hẳn có kinh nghiệm hoặc có kiến thức chuyên môn về nước kia.