- Thiếu thông tin minh bạch theo quy định và đã ngừng hoạt động nhưng Công ty cổ phần Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung (MTM) vẫn lên sàn UPCoM với vị thế “hàng nóng”, trước khi rớt giá 80% và bất ngờ bị ngừng giao dịch chỉ 2 tháng sau khi chào sàn trước sự bàng hoàng của nhiều nhà đầu tư.
Hàng nóng nguy cơ 'cháy thành tro'
Mấy ngày qua, ông N.T.Thanh như ngồi trên lửa bởi mớ cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung mà ông vừa mua bất ngờ mất thanh khoản do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định tạm ngừng giao dịch từ 20/6.
Ông Thanh không biết cổ phiếu có được giao dịch trở lại hay không và nếu có thì bao giờ cổ phiếu mới được giao dịch trở lại. Ông chỉ được thông báo rằng, MTM “có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh”.
Bên ngoài địa chỉ MTM là một quán ăn. |
Từ cuối tuần trước, giới đầu tư đã có tin MTM ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Cổng tra cứu thông tin người nộp thuế của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cũng xác nhận người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký của MTM đã ngừng hoạt động.
Trên thực tế, trụ sở của DN tại địa chỉ số 60 Nguyễn Tuấn Thiện (P.Lê Mao, TP. Vinh, Nghệ An) không có biển hiệu DN bên ngoài, thay vào đó là một quán ăn. Trong khi đó, chi nhánh Núi Trúc là tòa nhà của một phòng khám tư nhân, không có dấu hiệu hoạt động của MTM.
Lo ngại tăng lên khi các NĐT không thể liên lạc được với lãnh đạo DN, cả ở trụ sở tại Nghệ An và chi nhánh trên phố Núi Trúc (Hà Nội). Thời điểm hiện tại, thông tin công bố cho thấy, HĐQT cùng ban lãnh đạo không nắm giữ cổ phiếu. DN không có cổ đông lớn, toàn cổ đông nhỏ lẻ.
Cho đến nay, MTM cũng chưa thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ của mình như báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2015, BCTC quý I/2016…
Trước đó, 31 triệu cổ phiếu MTM đã đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM. Cổ phiếu này đã tăng trần trong phiên đầu tiên lên 14.700 đồng/cp hôm 15/4/2016 và sau đó được giao dịch với thanh khoản cực lớn. Chỉ trong vài phiên giao dịch đầu tiên, hàng triệu cổ phiếu MTM đã được bán ra, trị giá gần 30 tỷ đồng.
Tháng sau đó, MTM liên tục được bán ra ồ ạt, trung bình 5 tỷ đồng/phiên. Trong 7 phiên cuối trước khi bất ngờ bị ngừng giao dịch, tổng cộng có trên 30 triệu cổ phiếu MTM được bán ra (gần bằng toàn bộ số cổ phiếu MTM đang lưu hành), cho dù giá ở mức thấp, dưới 3.000 đồng/cp.
Trả lời về vụ việc này, HNX cho rằng, sàn đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM của MTM trên cơ sở những văn bản, tài liệu của MTM theo đúng quy định.
Theo đó, hồ sơ ĐKGD cần có BCTC năm liền trước năm ĐKGD đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật. MTM nộp hồ sơ vào tháng 11/2015 nên chỉ có BCTC kiểm toán năm 2014. UBCKNN đã chỉ đạo xác minh, kiểm tra tình hình hoạt động tại trụ sở của MTM.
Bên ngoài địa chỉ chi nhánh tại Hà Nội. |
Ai bảo vệ NĐT?
Ông P.V.Nhân - nhà môi giới của một CTCK tại Sài Gòn nói: “Thông tin quá thiếu, thiếu báo cáo tài chính 2015, quý I/2016. Chi nhánh không rõ ràng, công ty không hoạt động, cũng không có ai kiểm chứng. Với DN đại chúng đăng ký giao dịch mà như thế là không thể chấp nhận được. Thiệt hại sẽ là rất lớn”.
Cũng theo nhà môi giới này, thanh khoản quá lớn của MTM ngay sau khi lên sàn và giá giảm nhanh cho thấy một sự bất thường, có nghi ngờ dấu hiệu của việc xả bán. Không những thế, mức giá đưa ra giao dịch trong phiên giao dịch đầu tiên là “rất cao” nếu dựa vào doanh thu và lợi nhuận. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của MTM năm 2014 chỉ đạt 588 đồng.
“Không chỉ có MTM. Trên sàn có quá nhiều cổ phiếu lởm. Cổ phiếu BAM của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á cũng rớt một mạch từ mức 16.900 đồng/cp hôm đầu trên sàn xuống còn 1.800 đồng và mới bị ngừng giao dịch gần đây”.
NĐT chỉ biết đến DN qua mạng. |
“Đã có nhiều cổ phiếu như vậy, lên sàn với giá cao rồi rớt dài, sau đó là ngừng giao dịch hay hủy niêm yết. Vụ MTM gây sốc chẳng qua là do diễn biến quá nhanh, MTM bị ngừng giao dịch quá nhanh, chỉ 2 tháng sau khi lên sàn. Bản chất của sự việc có lẽ nằm ở chỗ, các công ty này đều là DN hoạt động yếu kém”.
Cũng theo ông P.V. Nhân, với MTM, vấn đề còn ở chỗ, DN không đầy đủ BCTC mà vẫn được lên sàn giao dịch. Và câu hỏi đặt ra là: trách nhiệm thuộc về ai khi hàng loạt các cổ phiếu như vậy đã có mặt trên sàn. “Lên sàn, niêm yết, đăng ký giao dịch, bán xả, ngừng giao dịch hay hủy niêm yết” liệu đã trở thành một quy trình đáng sợ đối với giới đầu tư.
Một NĐT trên sàn SSI cho rằng, việc DN lên sàn năm 2016 mà duyệt hồ sơ của 2014 là bất cập. Điều này có thể khiến một DN phá sản cả năm trời, không còn hoạt động nữa nhưng vẫn có thể lên sàn bán giấy lấy cả trăm tỷ đồng.
Cũng theo NĐT này, tính minh bạch và chính xác trên TTCK Việt Nam vẫn là điều đáng lo ngại. Trước đây, thị trường từng sốc với cổ phiếu Dược Viễn Đông (DVD) là bởi lãnh đạo DN công bố thông tin sai lệch, cổ phiếu bị đẩy giá lên hơn 100 ngàn đồng, sau đó lao dốc xuống 3.500 đồng rồi bị hủy niêm yết. Giờ đây, nhiều cổ phiếu không cần tăng giá nhờ “đội lái” mà lên sàn là lao dốc cho đến khi bị loại khỏi cuộc chơi.
Thống kê của UBCK cho thấy, riêng trong năm 2015, trên 2 sở, có 33 công ty hủy niêm yết. Năm 2014 có 30 công ty hủy niêm yết, 2013 là 37 DN… Hầu hết các cổ phiếu này “ra đi” với mức giá “rau dưa, trà đá”, thường là thua lỗ 3 năm liên tục hoặc/và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Một số DN chuyển sang UPCoM. Còn trên UPCoM, tính minh bạch kém hơn nhiều. Đây có thể là môi trường cho sai phạm phát triển. Sự sôi động của UPCoM trong thời gian gần đây là đáng mừng nhưng những trường hợp như MTM khiến nhiều người lo ngại.
M. Hà