Kết quả tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2023 thể hiện rất rõ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Khó khăn lớn nhất của khu vực sản xuất, kinh doanh là không có đầu ra trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng.
Tại buổi toạ đàm "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", các đại biểu đã đánh giá kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm nay; đánh giá tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Từ góc độ tổng cầu, tiêu dùng nội địa với chỉ dấu quan trọng là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng. Chi tiêu Chính phủ tăng mạnh so với các năm trước về con số tuyệt đối, với khoảng 226.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023...
Đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng trở lại và có những dấu hiệu tăng tích cực hơn trong những quý tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đã suy giảm và đây được cho là nguyên nhân chính, làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế và cũng là trở lực lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu.
Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Về tình hình đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch năm; vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2% so cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so mức tăng 9,5% của năm 2022; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 4,3% so cùng kỳ, vốn thực hiện chỉ tăng nhẹ 0,5%.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhấn mạnh phải kích cầu trong nước, bao gồm chi tiêu Chính phủ và hộ gia đình, đầu tư tư nhân, đầu tư công và xuất khẩu, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự cường. Các giải pháp kích cầu cần kịp thời và có nguyên tắc, tránh tạo ra các bất ổn khác như gia tăng lạm phát, tỷ giá hoặc tạo ra bong bóng tài sản.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp kích cầu có chọn lọc và kết hợp các chính sách cải thiện các tổng cung tiềm năng. “Chính sách trọng cung của nền kinh tế khi chúng ta nhìn thấy xu hướng tăng trưởng chung của nền kinh tế đang thấp dần. Nếu chúng ta lạm dụng chính sách kích cầu sẽ dễ đi từ thái cực này sang thái cực khác bất ổn hơn”, PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ ra.
TS Johnathan Picus, Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu và cảnh báo việc nới lỏng chuẩn cho vay, hạ thấp lãi suất sẽ làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản. Trong khi đó, công cụ chính sách tài khóa không được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát.
Bởi vậy, Chính phủ cần sử dụng nhiều công cụ chính sách tài khóa hơn. Cụ thể là hoạt động đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội; khắc phục tình trạng đầu tư công phân mảnh, không hiệu quả, không gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại…
Tóm lại, cần cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế và từ đó tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng hơn tới thị trường trong nước, phát triển năng lực của doanh nghiệp trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không để mất thị phần về hàng hóa, dịch vụ ngay trên “sân nhà”.