Chính phủ muốn tạo đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử
Phát biểu về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, tầm nhìn của chúng ta là xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, có sự tiếp nối, kế thừa giữa các cấp độ, giai đoạn phát triển. Xác định phương châm triển khai xây dựng Chính phủ điện tử là thiết thực, hiệu quả, không hình thức, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chuyên gia Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử |
Chia sẻ quan điểm ở góc độ của chuyên gia đã có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhận định, chọn Chính phủ điện tử là khâu đột phá là một lựa chọn đúng đắn và khả thi.
Tuy nhiên, theo báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện đang đứng thứ 88/193 trên thế giới; đứng thứ 6/11 tại khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Theo chuyên gia Nguyễn Thế Trung, để đạt được mục tiêu trên, vượt qua 2 quốc gia khác cũng khá mạnh trong khu vực ASEAN, Việt Nam cần tìm ra công thức để không tiến tuần tự mà phát triển đột phá.
“Tôi cho rằng, có thể tổng kết một công thức về thành công của “Chính phủ điện tử = Cải cách quản trị công x Chuyển đổi số”. Tôi đề nghị đây là phép nhân, không phải phép cộng”, ông Trung đề xuất.
Tại sao “Chính phủ điện tử = Cải cách quản trị công x Chuyển đổi số”?
Lý giải rõ hơn đề xuất trên, chuyên gia Nguyễn Thế Trung cho biết, theo tổng kết về quá trình của những nước có khoảng 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, các rào cản đối với việc người dân tham gia sử dụng Chính phủ điện tử ban đầu có thể gắn với vấn đề công nghệ nhưng sau đó đa phần sẽ là các vấn đề quản trị công.
“Giai đoạn bắt đầu triển khai Chính phủ điện tử, người ta nói đến triển khai dịch vụ công trực tuyến thế nào, văn bản số ra sao? Nhưng sau đó, khi thấy rằng người dân không vào sử dụng dịch vụ, người ta nhận thấy rằng vai trò của quản trị công rất quan trọng. Khi người dân tin tưởng rằng các giải pháp công nghệ có thể mang lại những lợi ích cho họ thì lúc đó tính sử dụng trong Chính phủ điện tử sẽ tăng lên một cách đột biến. Vì thế, việc người dân có dùng hay không các dịch vụ Chính phủ điện tử là vấn đề của quản trị công”, ông Trung phân tích.
Cũng theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Thế Trung, ngược lại, tổng kết kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, xét về hiệu quả đầu tư cho Chính phủ điện tử, nếu như bước đầu vấn đề quản trị công rất quan trọng, thì về lâu dài vấn đề công nghệ lại là yếu tố quyết định.
“Bởi lẽ, nếu chúng ta không có sự định hình về công nghệ nền tảng ngay từ ban đầu, để tình trạng “trăm hoa đua nở”, sử dụng các công nghệ hoặc bị khóa bởi nhà cung cấp hoặc những công nghệ không cập nhật, không thể liên thông với nhau thì sau này chính vấn đề chi phí cho Chính phủ điện tử sẽ làm cho chúng ta không phát triển được Chính phủ điện tử như chúng ta mong muốn. Cho nên, nếu như một trong hai vế - quản trị công hay chuyển đổi số, càng thấp thì Chính phủ điện tử sẽ càng thấp. Và nếu một trong hai vế này bằng 0 thì đương nhiên kết quả cũng sẽ bằng 0”, ông Trung giải thích thêm.
Mặt khác, các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc cũng dựa trên 3 yếu tố gồm dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng CNTT-TT và chỉ số nguồn nhân lực. Phân tích kỹ hơn, có thể thấy rằng trong mỗi chỉ số này đều hàm chứa chất lượng quản trị công và ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
Minh chứng cho quan điểm của mình, chuyên gia Nguyễn Thế Trung viện dẫn, kết quả nghiên cứu 20 năm về Chính phủ điện tử tại các nước cho thấy mô hình trưởng thành của Chính phủ điện tử có sự đồng hành từ phía quản trị công và phía CNTT.
“Chúng ta có thể thấy sự tương đồng với các giai đoạn phát triển tại Việt Nam. Trong đó, mô hình trưởng thành này cũng cho chúng ta đích đến rõ ràng của giai đoạn thứ tư, đó là phía Quản trị công cần đẩy mạnh liên thông nghiệp vụ và giảm khoảng cách số, còn phía CNTT cần tạo ra sự chuyển đổi (hay còn gọi là chuyển đổi số)”, ông Trung nêu.
Cần có chiến lược tổng thể phát triển Chính phủ điện tử đến 2030
Cũng trong tham luận tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, chuyên gia Nguyễn Thế Trung đã chỉ ra hai điểm nghẽn cần chú ý trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Cụ thể, theo ông, quản trị công yêu cầu năng lực quản lý trọn vòng đời và hướng tới mục đích chứ không chỉ là các mục tiêu cụ thể, điều này đạt được bằng việc liên tục bảo đảm chất lượng và đo lường tiến độ, điều này chỉ làm được với việc quản trị dựa trên dữ liệu.
Vì thế, để Chính phủ điện tử phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tới, bộ phận quản lý Cải cách hành chính ngoài việc tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính cần phải đưa ra cách làm mới sử dụng dữ liệu để theo dõi, đánh giá, đo lường và chủ động điều hành tại các cấp chính quyền.
Cùng với đó, chuyển đổi số cần nhìn toàn Chính phủ như một tổ chức thống nhất và chuyển đổi hướng tới nhu cầu của người dùng (doanh nghiệp, người dân, công chức). Do đó, đơn vị phụ trách CNTT phải có khả năng xây dựng và vận hành nền tảng Chính phủ điện tử, quản lý tập trung các dự án đầu tư cho các nền tảng này và tạo hệ sinh thái để các cấp Chính quyền phát triển các dịch vụ ứng dụng theo nhu cầu của họ.
Vị chuyên gia này cũng nêu khuyến nghị, để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi chuyển sang Kiến tạo và bền vững, Việt Nam cần có một chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới 2030 đi kèm với một kiến trúc tổng thể thực hiện và một đầu mối quản lý chương trình tổng thể: “Chiến lược này cần thể hiện rõ phép nhân giữa Cải cách quản trị công và Chuyển đổi số sẽ xảy ra ở giai đoạn này để chúng ta có thể đột phá về các chỉ tiêu”.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần một đề án tổng thể triển khai Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2023 trong đó gắn kết giữa Cải cách quản trị công và Chuyển đổi số. Đề án này đưa ra cách làm cụ thể và nguồn lực tương ứng để triển khai các nền tảng Chính phủ điện tử song song với các công cụ hỗ trợ quản trị công như báo cáo, phân tích, quản lý tiến độ, quản lý rủi ro, quản lý chất lượng...
“Chúng tôi đề xuất Văn phòng Chính phủ vẫn là vai trò rất quan trọng để tập trung đưa ra những phương thức hoạt động mới của cơ quan nhà nước khi các giao dịch được số hóa và cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu. Bộ TT&TT là cơ quan giữ vai trò điều phối các hệ thống thông tin đã có để xây dựng nền tảng CPĐT thống nhất cho phép triển khai kết hợp tập trung – phân tán”, ông Trung khuyến nghị.
Vân Anh