Trong đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được đánh giá là chính sách bước ngoặt trong phòng, chống dịch Covid-19 và có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như: Chiến lược vaccine; điều động lực lượng lớn y tế, quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam; từ chính sách “không Covid-19” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19...
Từ đầu tháng 10-2021, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại. Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng GDP năm 2021 ước chỉ đạt 2,58% nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì đây được đánh giá là nỗ lực rất lớn của nước ta trong việc phòng, chống dịch, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Nhận định về việc tác động của Nghị quyết 128 đến nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay khi dịch bệnh xuất hiện, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch Covid-19. Qua rà soát về số liệu tăng trưởng GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy, diễn biến nền kinh tế từ quý II, III và IV là mô hình phục hồi theo hình chữ V.
“Nghị quyết 128 ra đời vào thời điểm rất phù hợp, đã làm xoay chuyển cả cục diện trong chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ có Nghị quyết 128, chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Việc phục hồi cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, để nền kinh tế có sức vượt qua dịch bệnh, lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ; công nghiệp là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Về dịch vụ, đây là lĩnh vực gặp tác động tiêu cực lớn từ đại dịch Covid-19. Qua rà soát cho thấy, cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ luôn ở mức thấp, có quý âm. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc. Qua đó cho thấy ý nghĩa rất quan trọng và tích cực của Nghị quyết 128 tác động đến phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch.
“Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỷ lệ phủ vaccine nhất định. Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỷ lệ phủ vaccine 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ phân tích.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin: Thời điểm ban hành Nghị quyết 128, độ bao phủ vaccine trên toàn quốc đạt hơn 70%; đồng thời, Chính phủ đã nghiên cứu, tham khảo phương thức phòng, chống dịch tại các nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia và qua đánh giá, thực hiện thí điểm ở Bình Dương, Bắc Ninh.
"Nghị quyết 128 ra đời là một quyết định mạnh mẽ của Chính phủ trên cơ sở khoa học, được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội mong đợi, đồng tình ủng hộ. Đến nay, chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Ngọc Dũng