Cơ duyên nào dẫn đến việc FPT quyết định phát triển chip bán dẫn thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Quang: FPT đang làm chip Make in Viet Nam - Made by FPT. Lý do thì có nhiều, nhưng cũng cần phải nói rằng đúng thời điểm nữa. Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc thế giới bị thiếu hụt nguồn cung chip. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có tác động vào câu chuyện này. 

Chúng tôi đã có kinh nghiệm làm việc từ trước với các dòng chip nguồn. Do vậy, trong giai đoạn mà khách hàng của chúng tôi gặp khó về nguồn cung chip, không giống như các hãng lớn, chúng tôi có thể thiết kế dòng chip riêng cho họ, điều này đã thuyết phục được các đối tác đưa đơn hàng của mình cho FPT. 

W-chip-fpt-ban-dan-3-1.jpg
Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông đâu là hướng đi thích hợp cho các dòng chip Make in Viet Nam?

Có khá nhiều hướng phát triển cho các dòng chip Make in Viet Nam. Tuy nhiên, về cách làm, cần làm sao để phù hợp với bối cảnh. Bối cảnh của Việt Nam vừa khó lại vừa dễ. Nhiều công ty đang tìm cách chuyển ra khỏi Trung Quốc. Nguồn cung chip vì thế sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng và thị trường cần tìm ra các nhà cung cấp mới. 

Nhiều công ty sẽ nói không với việc sử dụng chip Trung Quốc hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những công ty Trung Quốc cũng không thể mua được các dòng chip từ nước ngoài. Điều này dẫn đến xuất hiện một luồng nhu cầu mới. Chúng ta vì thế sẽ có cơ hội nhất định.

Trên thế giới không chỉ có các dòng chip 2nm hay 3nm mà còn nhiều các dòng chip khác nữa. Việt Nam có thể làm được các dòng chip đó và từ đấy có được thị trường.

Đâu là thách thức và cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Chúng ta cần chuẩn bị những gì?

 Ngành thiết kế chip Việt Nam còn khá non trẻ. Công ty Việt Nam đầu tiên làm về thiết kế chip là vào khoảng năm 1999. Cho đến bây giờ, lĩnh vực thiết kế chip xuất hiện ở Việt Nam chưa đến 25 năm. Chúng ta vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới. Nếu nói về kinh nghiệm hay các lợi thế, chúng ta không so được với các nước khác hay công ty khác. Bởi vậy thách thức là rất nhiều. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ có những lợi thế nhất định khi tham gia vào thị trường chip bán dẫn. Nếu chỉ thiết kế ra những dòng chip chạy theo thị trường thì ở thời điểm hiện tại sẽ rất khó. Nhưng nếu đi vào đúng nhu cầu khách hàng, làm ra những gì họ cần thì chúng ta sẽ có lợi thế nhất định. 

FPT hoàn toàn có thể thiết kế ra dòng chip nguồn có giá cạnh tranh so với cả những hãng lớn trên thế giới. Chúng ta cũng có thể làm ra những dòng chip có hiệu năng tương đương khoảng 80-90%, thậm chí có thể đạt gần như 100% các hãng lớn, với giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ tương đương 50-60% giá sản phẩm cùng loại. 

W-chip-fpt-ban-dan-2-1.jpg
Logo FPT trên con chip nguồn do hãng phát triển. Ảnh: Trọng Đạt

Một lợi thế khác là các công ty Việt Nam có thể đi vào nhu cầu thiết kế của khách hàng. Một số khách hàng sẽ có những ứng dụng cụ thể, họ cần những dòng chip cụ thể, ví dụ thay đổi thứ tự bật tắt từng thành phần trong dòng chip nguồn thôi cũng đã là một nhu cầu khác rồi. Các công ty vừa và nhỏ rất khó yêu cầu các hãng lớn thiết kế ra dòng chip riêng cho họ. Những công ty Việt Nam như FPT có thể làm việc đó và từ đấy có thị trường của riêng mình. 

Ngoài ra, các công ty Việt Nam còn có một số lợi thế khác về thị trường khi nhiều công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Điều này làm tăng nhu cầu về các dòng chip tại Việt Nam. 

Theo một thống kê không chính thức, mỗi năm có một lượng chip trị giá khoảng 6 tỷ USD được nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, không có bất kỳ một công ty nào ở Việt Nam đang cung cấp những dòng chip này. Chưa kể đến tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam dần dần sẽ tăng lên, nhu cầu về các dòng chip Việt Nam vì thế cũng sẽ tăng lên trông thấy. 

Làm thế nào để các doanh nghiệp ICT Việt Nam đều có thể tham gia vào thị trường bán dẫn, thay vì chỉ những doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT?

Việt Nam cần có một hệ sinh thái về lĩnh vực bán dẫn. Chúng ta có khá nhiều doanh nghiệp thiết kế chip với hơn 40 công ty đang hoạt động. Về đóng gói và kiểm thử, chúng ta cũng có những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Intel, Amkor,... Cái mà Việt Nam đang thiếu là mảng liên quan đến nhà máy sản xuất chip. Hy vọng hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam sẽ phát triển đầy đủ hơn trong tương lai. 

Để ngành bán dẫn phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ của Chính phủ về đầu ra, hệ sinh thái cho sản phẩm. Ví dụ đơn giản nhất là tăng tỷ lệ nội địa hóa. Điều này sẽ giúp các công ty chip Việt Nam có được thị trường nhất định. Chính phủ cũng có thể chỉ định dự án cho các doanh nghiệp để hỗ trợ họ phát triển. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn đi trước sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về sau, chia mảng cho họ thay vì cạnh tranh để hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự phát triển của cả hệ sinh thái. 

W-chip-fpt-ban-dan-1-1.jpg
Chip của FPT hiện đã được tích hợp vào nhiều sản phẩm thực tế. Ảnh: Trọng Đạt

Làm sao để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực bán dẫn trong cả ngắn và dài hạn?

Cơ hội của chúng ta đang đến, nếu chỉ chậm một vài năm thì cơ hội này sẽ trôi qua mất. Cách làm của Đại học FPT là sẽ kết hợp các trường lớn trên thế giới để đưa chương trình của họ về giảng dạy ở Việt Nam. Đó có thể là các chương trình 2 + 2 hoặc 3 + 1, tức 2, 3 năm giảng dạy ở Việt Nam bằng chương trình kết hợp với Mỹ, Nhật, Đài Loan. Ở những năm sau, sinh viên sẽ được giảng dạy bởi các trường quốc tế.

FPT sẽ đứng ở vai trò tuyển sinh, thiết lập cơ sở giáo dục,... Đây là cách nhanh nhất để đưa chương trình đào tạo về bán dẫn chuẩn của thế giới về Việt Nam để sinh viên khi ra trường có được kiến thức giống như sinh viên các nước Mỹ, Nhật. Đại học FPT cũng sẽ có cả những chương trình đào tạo ngắn và dài hạn, hay up-skill (nâng cấp kỹ năng) về bán dẫn. Trong vòng 3 năm tới, Đại học FPT sẽ triển khai cả chương trình đào tạo hệ thạc sĩ.