Mang cả “chợ” về ngôi nhà của bạn
Sáng nay phải nghỉ ốm ở nhà do hôm trước đi làm về bị cảm lạnh do dính phải nước mưa. Chồng thì đi làm, các con thì đi học, chị Vũ Thị Trà (36 tuổi, kế toán đang sống tại một khu chung cư tại Gia Lâm, Hà Nội) đành phải lang thang trên mạng, “kiếm” bát cháo ăn lấy sức để còn uống thuốc. Dù trước khi đi làm chồng chị bảo mua đồ ăn, nhưng chị bảo không cần chị tự mua được, sợ anh muộn giờ đưa các con đến trường. Tự chăm bản thân, đồ ăn hay thuốc uống đã có thể mua online và gọi ship đến tận nhà.
“Tôi chỉ cần tìm người bán cháo ăn sáng trong nhóm chợ cư dân, gọi điện bảo ship tận lên phòng. 15 phút sau đã có tô cháo nóng có cả lá tía tô thái nhỏ để giải cảm. Không thiếu bất cứ thứ gì, từ đồ ăn sẵn cho tới các đồ dùng sinh hoạt hàng ngay các shop chân đế các tòa chung cư hay những quán bán hàng có bán online đều phục vụ 24/7. Tiện lợi, nhanh chóng, giá cả thỏa thuận, kể cả tiền ship hàng. Do vậy, thuận mua vừa bán nên giờ đây thói quen ngồi nhà mua sắm đã trở lên phổ biến”, chị Trà chia sẻ.
Xu hướng mua hàng qua mạng như chị Trà giờ đây đã phổ biến khắp các nền tảng mạng xã hội (Facebook Shop, TikTok Shop hay Zalo…); cho tới các sàn thương mại điện tử (Alibaba, Amazon, Shopee, Lazada..).. Người mua chỉ cần chọn hàng, mặc cả giá mua và phí ship rồi gửi địa chỉ và sau đó chỉ cần ngồi nhà đợi hàng và thanh toán. Có thể thấy rõ, xu hướng mua hàng qua mạng nở rộ sau đại dịch Covid-19 và ngày càng trở thành mua sắm của đại bộ phận người dân đô thị.
Chợ online lấn át và sớm thay chợ truyền thống?
Dạo quanh các chợ truyền thống của Hà Nội như các chợ: Mơ, Hàng Da, Hôm – Đức Viên, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Ngã Tư Sở… hay các chợ nhỏ hơn của các quận huyện (chợ: Trâu Quỳ, Thạch Bàn, Phúc Lợi…) có thể dễ dàng nhận thấy, số lượt người tới chợ mua sắm đã giảm đi đáng kể, nhất là giới trẻ. Theo bà Phạm Thị Nhàn, một tiểu thương bán thịt lợn và đồ ăn chế biến sẵn (giò chả, nem cuốn, ruốc thịt…) tại chợ Đồng Dinh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội): Trời nắng nóng cộng với việc mua hàng tại nhà qua chiếc điện thoại nên số người đến chợ ngày một ít đi. Mua hàng qua các chợ online, chợ cư dân ngày nay đang rất phổ biến song song với chợ truyền thống.
“Giữ lại sạp hàng tại chợ cũng chỉ để trưng bày đồ ăn sống, còn lại đa phần các mặt hàng có thể bán online chúng tôi cất trữ trong tủ mát ở nhà và đăng lên mạng để phục vụ cư dân. Livestream bán hàng ngay tại sạp hoặc ở nhà, khi khách gọi thì ship tận nơi thay vì khách phải ra tận chợ như trước. Khách mua có thể tìm kiếm số điện thoại của chúng tôi bằng nhiều cách: Một là đi chợ rồi lưu số điện thoại, khi cần thì đặt hàng; Hai là xem qua Zalo hoặc Facebook cá nhân của người bán, để rồi đặt hàng và mua qua mạng; Ba là tìm kiếm người bán chúng tôi qua các rao vặt trên các nhóm chợ cư dân, hội nhóm bán hàng… Dù bằng cách nào thì chúng tôi cũng đều phục vụ, bán hàng qua mạng giờ đây thực sự đã thay đổi rất nhiều cánh tiểu thương chúng tôi”, bà Nhàn chia sẻ.
Chia sẻ thêm thông tin về xu hướng này, cô Trần Thị Liễu, một tiểu thương kinh doanh đồ điện nước và đồ gia dụng tại chợ Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi có tệp khách hàng quen thông qua kênh Zalo, vốn là những người mua hàng thường xuyên trước kia nên lưu số điện thoại và kết bạn Zalo, Facebook. Ngoài ra, một lượng khách vãng lai mới thì sẽ biết tới cửa hàng qua kênh mua trực tiếp hoặc xem qua quảng cáo Facebook. Mua gì có nấy, giao hàng tận nhà. Ưng thì lấy hàng và trả tiền, không ưng thì đổi trả miễn phí ship nên nhiều người giờ muốn mua viên pin thay khóa cửa nhà hay mua cả những vật dụng cao cấp (như bồn tắm, quạt hơi nước...) cũng có thể an tâm đặt hàng qua mạng”.
“Bùng nổ” là cách mà nhiều người đang cảm nhận được về xu thế mua hàng qua mạng ngày càng phổ biến ở Việt Nam hiện nay, không chỉ ở thành thị mà đang lan tới cả những vùng nông thôn.
Nam Phương