Ngày nay, người ta không thể nhịn được bi thương trước hình ảnh một thi thể bó chiếu buộc trên xe gắn máy.

Khâu Pùm là đỉnh núi cao nhất của huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Nó cao hơn 1800 mét so với mặt nước biển, tức là, nếu đứng ở đây, dù cho Quỳnh Nhai là một huyện sơn cước với nhiều chia cắt về địa hình, cũng có thể nhìn thấy nhiều thứ bị che khuất bởi những cánh rừng và những ngọn núi mờ xanh.

Khâu Pùm, chiều 12/9/2016 chắc cũng đã nhìn thấy một hình ảnh bi thương đã và đang tiếp tục gây sang chấn mạnh cho những trái tim dễ tổn thương của rất nhiều người được gọi chung với cái tên cư dân mạng. Hình ảnh của một thi thể được bó chiếu không đầy, thò ra đôi chân gầy guộc đeo đôi dép tổ ong xỉn màu được buộc phía sau một chiếc xe máy chở về từ Thành phố Sơn La, đến xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai.

Lò Thị P. một phụ nữ 40 tuổi người dân tộc Thái bị bệnh hiểm nghèo, sau khi rời bệnh viện Lao phổi tỉnh Sơn La trong tình trạng “bệnh viện trả về” thì tử vong, thi thể của chị được bó chiếu, đưa về bằng xe gắn máy. Ngang qua Thành phố Sơn La, hình ảnh này được một thành viên của diễn đàn ô tô, xe máy Việt Nam (oto fun) ghi lại và đưa lên mạng. Ngay sau đó, hình ảnh đã lôi cuốn sự quan tâm, bình luận  của đông đảo thành viên, được like và share với tốc độ chóng mặt, và được một số tờ báo dẫn lại với những câu từ thấm đẫm tình người. Không dừng lại ở những thông tin và hình ảnh ban đầu, những bài báo sau đó tiếp tục cung cấp đủ toàn bộ hồ sơ bệnh án, tiến trình điều trị. Làm gì có thể thỏa mãn cơn khát chia sẻ tình thương của người đọc, những người đưa tin đều đã thực hiện.

{keywords}

Hình ảnh được một thành viên của diễn đàn ô tô, xe máy Việt Nam (oto fun) ghi lại và đưa lên mạng

Bây giờ, không hiểu độc giả đã có thể như đỉnh Khâu Pùm cao ngất Quỳnh Nhai kia tạm lắng tâm một chút được chưa. Trong vô vàn những dòng trạng thái trên mạng xã hội về hình ảnh thương tâm này, có lẽ những lời sau đây thật là công bình và cảm động “Gần 20 năm đi xa lại thấy lại hình hài ký ức về quê hương gần như chẳng thay đổi là bao bỗng thấy giật mình cay đắng. Có rất nhiều thứ đã thay đổi trong cuộc đời này, ấy vậy mà đường về nhà của những người dân nghèo đâu đó thì vẫn như vậy, quá đỗi nhọc nhằn, quá đỗi đau thương. Ai rồi cũng chết, nhưng được chết như một con người dẫu sao cũng cảm thấy được an ủi”.

Người viết những dòng này, là một cô gái Thái quê ở Sơn La. Cũng giống như cô, những ai sinh ra ở miền núi, hoặc lùi lại chút về thời gian ở các vùng nông thôn Bắc Bộ, chắc không quá lạ lẫm trước việc người ta đã phải về nhà bằng những cách như thế nào, khi bệnh viện đã không còn khả năng cứu chữa.

Có thể quả quyết rằng, so với khoảng vài chục năm trước đây, khi mà người ốm được đưa tới trạm xá bằng một cái cáng do hai người khiêng (ở miền núi) hoặc buộc vào gascbaga xe đạp trước và ghi đông xe đạp sau (ở nông thôn) và khi họ chết, sẽ lại được cáng trở về như vậy, thì việc đưa người trở về trên xe gắn máy đã là một khoảng phát triển về phương tiện, và tốc độ.

Tất nhiên, ngày nay, người ta không thể nhịn được bi thương trước hình ảnh một thi thể bó chiếu buộc trên xe gắn máy. Người ta mặc nhiên xem, giống như ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, khi được trả về, người sắp mất phải có một xe cứu thương, một bình ô xy và một bác sỹ đi cùng để quan tâm săn sóc.

Hình dung của người  thành thị quả không sai. Nhưng Quỳnh Nhai quê hương của Lò Thị P. có tới hơn 20% số hộ nghèo với thu nhập bình quân dưới 800 ngàn một người một tháng. Hơn thế nữa, P còn là một bệnh nhân Lao đã mất hết những giọt sức cuối cùng trong cơn bạo bệnh, tức là không khó đoán về khả năng lao động của cô trong những năm tháng cuối cùng. Người chết không chọn cho mình cách về. Người sống cũng có không nhiều lựa chọn, địa hình đồi dốc, lung vốn không nhiều, một manh chiếu, một cuốc xe, 62 cây số.

Lựa chọn ấy, hẳn chỉ bi thương đối với những con người đang thừa thãi sự đủ đầy và lòng thương cảm thường được biểu cảm bằng một biểu tượng lập trình sẵn của những kỹ sư phầm mềm máy tính. Dẫu sao, hình ảnh đó cũng đã làm một phần trái tim của xã hội mạng rung lên. Rung lên, tức là còn đập và còn sẵn sàng thổn thức.

Nhưng cơn sang chấn rồi sẽ qua nhanh không như những gì mà Khâu Pùm đã thấy trong tầm mắt ngàn triệu năm của nó…người nghèo không thể giầu lên, không thể chết sang hơn nhờ vào tình thương nhất thời của những người ở xa trên thành phố.

Và từ câu chuyện nhỏ này, chúng ta có thể nhìn thấy, cái hố ngăn cách người giầu và người nghèo, cái dãn cách thành thị và nông thôn miền núi, không chỉ đơn giản là những con số thống kê thu nhập bình quân khô khan, nó còn là sự cách ngăn phi địa lý về quan niệm về nhân bản của mỗi cộng đồng.

Lại Trọng Tình