Sản phẩm nào đang bán chạy trên sàn?

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đánh giá, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VN) đang ngày càng trở nên nhộn nhịp trong cuộc đua cạnh tranh của các sàn TMĐT lớn như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Zalora... Các trang web TMĐT kinh doanh lâu năm như hotdeal.vn, muabannhanh.com, chotot.vn... cũng tăng cường mở rộng ngành hàng, dịch vụ giao - nhận, thanh toán. 

Tiếp cận được nền tảng Amazon, doanh nghiệp (DN) VN có thể tiếp cận trực tiếp với hơn 300 triệu khách hàng (KH) và hơn 100 triệu KH Prime (KH tiềm năng, mua sắm thường xuyên) tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng sẽ trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm (SP).

{keywords}

Ngày càng doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng truyền thống của Việt Nam lựa chọn xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling VN cho biết, có rất nhiều SP của DN VN bán rất thành công trên  Amazon như: cà phê, chổi đót, hàng may mặc, thớt bằng tre hoặc gỗ, hoa giấy, ví da, nước mắm, bánh tráng... Đây là những SP với nguyên liệu sẵn có của VN, đặc biệt hàng làm thủ công (handmade) bán rất chạy. Trước mắt, Amazon sẽ hỗ trợ 50 DN tiếp cận, bán hàng trên Amazon.

Đặc biệt, nhiều SP bán tại VN không chạy hàng, giá khá rẻ nhưng khi bán trên các trang TMĐT quốc tế, SP được định giá cao hơn mà hàng lại bán rất chạy. Chẳng hạn, một bông hoa giấy bán trên Amazon với giá 30 USD/bông (hơn 600.000 đồng/bông). Vì vậy, DN cần nắm bắt cơ hội này để tiếp cận KH quốc tế. 

Thông qua Alibaba, DN cũng sẽ có cơ hội quảng bá SP của mình tới 260 triệu người mua hàng trên thế giới với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những SP VN mà KH của Alibaba đang tìm kiếm gồm: nông sản thô, cà phê, gạo, SP may mặc, bánh kẹo, đồ dùng ngoài trời... 

Ông Trần Quý Hiến - FBA Freedom (hội nhóm các nhà bán hàng trên Amazon) - cũng chỉ ra có nhiều SP thương hiệu Việt được người tiêu dùng (NTD) quốc tế biết đến thông qua TMĐT. Các mặt hàng đang bán chạy hiện nay là sách, SP chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, hàng gia dụng, SP nhà bếp, văn phòng phẩm... hay các SP làm từ thiên nhiên như: dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công, đồ da, giày dép... 

Muốn bán hàng xuyên biên giới phải làm gì?

Muốn bán hàng xuyên biên giới qua các trang Amazon, Ebay, Alibaba, Taobao... đơn vị kinh doanh phải đăng ký mở tài khoản; lên danh sách các SP muốn bán, cung cấp hình ảnh và thông tin chi tiết về SP. Khi có khách đặt mua hàng, đơn vị bán hoàn thiện đơn hàng, có thể tự sử dụng dịch vụ giao hàng đến khách hoặc giao phó việc này cho các trang TMĐT. Các đơn vị này sẽ trả tiền thanh toán vào tài khoản của người bán theo khoảng thời gian định kỳ. 

{keywords}
Nhiều sản phẩm bình thường tại Việt Nam cũng sẽ trở thành hàng độc, lạ với người tiêu dùng nhiều nước

Mức phí người bán phải trả để được bán hàng trên các trang TMĐT xuyên biên giới tùy thuộc vào lựa chọn sử dụng dịch vụ và tùy SP muốn bán... Theo thông báo trên trang services.amazon.vn, người bán hàng cá nhân nếu bán dưới 40 mặt hàng/tháng, phí là 0,99 USD/mặt hàng cộng với các khoản phí khác; bán hơn 40 mặt hàng/tháng thì phí là 39,99 USD/tháng cộng với các khoản phí khác...

Cơ hội bán hàng xuyên biên giới mở rộng hơn cho người bán hàng Việt khi Amazon đã chính thức cung cấp trang web tiếp thị bằng tiếng Việt (services.amazon.vn) và trang facebook (fb.com/banhangamazon) giúp người bán hàng Việt dễ dàng tìm thông tin, tài liệu và sự hỗ trợ để bắt đầu việc bán hàng trên amazon. 

Theo ông Trần Quý Hiến, muốn bán được hàng, người bán phải hiểu KH của mình một cách chi tiết, chọn phân khúc KH muốn hướng tới và chọn SP bán phù hợp với nhu cầu KH, đáp ứng các quy định của nước sở tại và của trang TMĐT. Phải cẩn thận từ khâu tìm nguồn cung cấp, hiểu rõ nhà cung cấp, kiểm chứng nguồn gốc, chất lượng SP... Đồng thời, cần lưu ý các hồ sơ, giấy tờ gửi đến Amazon, Ebay phải là song ngữ hoặc được dịch ra và có chứng nhận. Ngay cả mô tả SP cũng bằng tiếng Anh. Mỗi danh mục SP sẽ qua điều kiện xét duyệt riêng của các trang TMĐT. 

Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm KH Prime - KH chịu trả 99 USD/năm để nhận nhiều lợi ích mua sắm trong năm, chăm sóc họ tốt. Người bán hàng nên lên kế hoạch bán hàng cho các mùa mua sắm lớn trong năm, như Black Friday, Giáng sinh...

Có nhiều xu hướng mới tác động tới thị trường TMĐT hiện nay, trong đó có xu hướng giọng nói (voice) và hình ảnh (photos) buộc người bán hàng trên các trang TMĐT phải thay đổi cách thức kinh doanh để bắt kịp xu hướng mua hàng của NTD.  Đến năm 2020-2021, NTD sẽ không tham khảo thông tin SP dựa trên nội dung mô tả, từ khóa quan trọng nữa mà họ tìm kiếm SP qua hình ảnh và giọng nói. Photos và voice là xu hướng tìm kiếm thông tin của NTD.

Sắp tới đây thị trường sẽ tràn ngập các loại thiết bị có sử dụng voice. Bên cạnh đó, các nền tảng giúp kinh doanh qua mạng cũng sẽ thay đổi, không chỉ dừng lại ở hạ tầng tổng hợp mà đi vào từng lĩnh vực cụ thể như: nông nghiệp, du lịch, y tế, tài chính, giáo dục, hàng tiêu dùng... sẽ giúp bán hàng xuyên biên giới tốt hơn. 

Tạo sự khác biệt và chọn ngách

Theo chia sẻ của một số bạn trẻ đã bán hàng khá thành công trên các trang TMĐT quốc tế, khi khởi nghiệp nên chọn những SP độc đáo để thu hút KH. Đặc biệt, bạn trẻ phải sang tạo mix (phối hợp) các SP với nhau để tạo ra SP không đụng hàng và có chức năng “2 trong 1”. Như, SP chiếc thìa múc canh có hình dáng chú khủng long đang được các bà mẹ tìm mua trên Amazon bởi thu hút trẻ nhỏ chịu ăn hơn và có thể tận dụng làm đồ chơi cho con khi cần. Hay, những cây bút bằng tre được làm thủ công độc đáo sẽ dễ “chạy hàng” hơn loại bút thông thường...

{keywords}
Nhờ đầu tư vào hình ảnh, marketing, nhiều sản phẩm thủ công của Việt Nam luôn hút hàng trên Amazon

Bạn nên bắt đầu từ việc chọn ngách, chọn SP theo chủ đề đảm bảo nguyên tắc tập trung (ví dụ, cửa hàng thuốc chỉ bán thuốc, không ai vào cửa hàng thuốc để mua thiết bị gia dụng…); bán những SP liên quan với nhau để KH dễ nhận diện thương hiệu. Từ đó, xây dựng mối quan hệ với KH: giảm review xấu, giúp KH tiếp cận SP mới, bán các SP tiếp theo và KH sẽ giới thiệu SP đến người khác. 

Bên cạnh đó, các bạn phải chủ động và chuẩn bị sẵn một lượng hàng đủ lớn để chuyển đến kho của các trang TMĐT, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khách sẽ chuyển sang tìm SP khác thay thế. Ngoài ra, khi đăng hình ảnh, thông tin SP cần chú trọng tính hấp dẫn nhưng chân thực.

Với kinh nghiệm bán hàng trên Amazon, anh Hiến chia sẻ: “Bạn nên chụp hình ảnh SP thật, sắc nét, hấp dẫn và tiêu đề giới thiệu, mô tả SP cũng phải hấp dẫn để kích thích sự ham muốn mua SP của KH. Yếu tố quan trọng nữa là review (nhận xét, đánh giá về SP) chân thực rất quan trọng, tránh những review 5 sao nhưng copy, lập trình sẵn, KH sẽ không tin; cần tăng những review chất lượng”.

Bạn cần duy trì ngân sách chạy quảng cáo và các chương trình khuyến mãi trên trang TMĐT bạn đang bán hàng. Sau một thời gian so sánh, đánh giá, chúng ta giữ lại những quảng cáo hiệu quả và bỏ những quảng cáo không hiệu quả.  

Phần lớn KH sau khi mua SP trên các trang TMĐT sẽ tìm đến website của đơn vị kinh doanh để tìm hiểu thêm và mua hàng trực tiếp. Vì vậy, cần đầu tư website đơn giản, tải chạy nhanh và kết nối với những trang mạng xã hội khác, như facebook, Snapchat, Instagram, youtube... Nên sử dụng công cụ chatbot trả lời tự động vì tỷ lệ khách hàng mở chatbot lên tới 90%, trong khi nhiều người không thích mở email. Bạn càng tương tác với KH nhiều thì sẽ hiểu KH hơn, phục vụ KH tốt hơn và tạo được thương hiệu riêng. 

Kinh doanh qua TMĐT đòi hỏi DN phải đầu tư kỹ thuật, nhân sự chuyên biệt cho từng khâu tổ chức hàng hóa, nguồn hàng, thanh toán, giao nhận, đổi trả hàng… Khi Amazon sang VN hỗ trợ, DN VN nên tận dụng cơ hội này để nắm rõ cách thức bán hàng qua các nước, với kinh nghiệm làm việc được với amazon, từ đó DN cũng sẽ giao thương quốc tế được qua các trang Alibaba, Ebay, Taobao…

Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng.  

(Theo Phụ nữ TP.HCM)