- Khi cưới nhau rồi, tôi mới phát hiện ra chồng mình có một đứa con ngoài giá thú. Chồng tôi nói là lỗi lầm trước đây, giờ thì không còn quan hệ với người đàn bà đó nữa nhưng vẫn chu cấp tiền để nuôi con.
Tôi không khắt khe chuyện này nhưng tôi không muốn tài sản của vợ chồng tôi phải san sẻ. Vậy tôi phải làm thế nào để tài sản do vợ chồng tôi làm ra chỉ để cho con chúng tôi sau này. Tôi xin cảm ơn.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Luật sư Nguyễn Thành Công tư vấn: Về nguyên tắc người con ngoài giá thú của chồng bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên vẫn được hưởng di sản từ chồng bạn dù bạn không đồng ý phân chia tài sản quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, người con ngoài giá thú của chồng bạn chỉ được hưởng di sản từ tài sản của chồng bạn tại thời điểm mở thừa kế nên vẫn có cách hạn chế tài sản phải phân chia cho người con đó.
Có ba cách để hạn chế phân chia tài sản cho người con ngoài giá thú của chồng bạn, tùy theo tình hình mà bạn lựa chọn phù hợp:
Cách thứ nhất, đối với tài sản riêng của bạn có trước khi lấy chồng cần phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, tách bạch tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản vợ chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân gọi là tài sản chung của vợ chồng theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Theo đó, chồng của bạn sẽ làm hợp đồng tặng cho toàn bộ số tài sản của chồng bạn cho bạn. Hợp đồng này cần phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015.
Cách thứ hai, đối với tài sản riêng của bạn có trước khi lấy chồng thì vẫn như cách trên, tách bạch với tài sản chung vợ chồng. Đối với tài sản chung vợ chồng thì hai vợ chồng bạn lập một thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân theo Điều 38 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Thỏa thuận này cần lập thành văn bản, văn bản này nên được công chứng để có căn cứ pháp lý quan trọng nếu phát sinh tranh chấp sau này. Lưu ý việc phân chia tài sản vẫn phải đảm bảo một số quy định để thỏa thuận phân chia tài sản có hiệu lực như tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình… quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
Cách thứ ba, chồng bạn lập bản di chúc hợp pháp không chia tài sản lại cho người con ngoài giá thú của chồng bạn. Bản di chúc này có các nội dung quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 và lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý cao nhất.
Tuy nhiên, việc lập di chúc này vẫn bị ràng buộc trong trường hợp mà pháp luật dân sự gọi là thừa kế bắt buộc. Tức nếu khi chồng của bạn qua đời mà người con ngoài giá thú kia chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có năng lực lao động thì vẫn sẽ được hưởng 1 suất thừa kế bằng 2/3 suất thừa kế của chồng bạn theo pháp luật (ví dụ hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn gồm có bạn, 2 con và có một con ngoài giá thú thì di sản của chồng bạn được chia làm 4 suất, người con kia được hưởng 2/3 của một suất đó)
Trên đây là tư vấn thuần lý. Tuy nhiên, tôi cũng mong bạn có cách xử lý hợp tình nữa. Người chồng đã xác định không có quan hệ gì với người cũ nhưng có trách nhiệm với con là ứng xử đúng mực. Vì vậy, mối liên hệ ấy cũng nên đảm bảo các quyền tối thiểu cho người con kia cũng như thái độ đúng mực của chồng bạn. Tức cũng nên dành một phần phù hợp pháp luật cho quyền được hưởng di sản của cha.
Tư vấn bởi luật sư NguyễnThành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc