Hai vợ chồng tôi cùng làm việc ở Hà Nội, nhưng anh ấy không biết chia sẻ khó khăn với vợ.

TIN BÀI KHÁC

Tôi năm nay 27 tuổi, lấy chồng được 2 năm và có con được 11 tháng. Chồng tôi hơn tôi 3 tuổi nhưng anh lại học sau tôi 2 khóa, vì thế anh ra trường sau tôi. Khi chúng tôi sinh con anh mới xin được việc.

Vì lý do nghề nghiệp nên 2 vợ chồng tôi học tiếp cao học. Trong thời gian có bầu và sinh con tôi đã học xong, còn chồng tôi bây giờ mới đang học. Hai chúng tôi thuộc 2 tỉnh khác nhau. Hai bên nội ngoại đều khó khăn nên chúng tôi phải tự lập.

Cuộc sống gia đình tôi từ ngày có con rất vất vả. Tôi vừa học, vừa làm, vừa chăm con. Chồng tôi dường như coi việc vợ vất vả là đương nhiên, anh vẫn vô tư như anh là ngoài cuộc.

Anh mới đi làm nên công việc không nhiều, lại không chịu đi làm thêm, ở nhà suốt ngày, không chịu giúp vợ việc nhà hay trông con, suốt ngày chỉ xem ti vi. Tôi góp ý thì anh tự ái.

Vợ chồng to tiếng thì đánh tôi, đuổi tôi và con ra khỏi nhà mặc dù nhà vợ chồng tôi đang ở là nhà đi thuê. Anh không quan tâm đến con và tôi.

Tôi rất buồn và nhiều lần góp ý nhưng không hiệu quả. Bây giờ con tôi còn bé quá, tôi lại bận công việc nên không biết có nên tìm chỗ trọ khác.

Tôi phải làm sao?

Mai Hương

Tư vấn viên chia sẻ:

{keywords}
(ảnh minh họa)

Mai Hương thân mến, tôi rất chia sẻ với bạn trong hoàn cảnh hiện tại.

Cuộc sống gia đình không phải màu hồng như khi còn yêu nhau đúng không bạn. Có rất nhiều điều phải lo toan, từ việc nhỏ nhặt trong gia đình như bữa cơm hàng ngày đến chuyện con cái, đối xử với họ hàng nội ngoại. Khi bạn có công việc nhàn rỗi, kinh tế vững hoặc chồng có thể đỡ đần thì mọi chuyện cũng đơn giản, nhưng khi kinh tế khó khăn, người chồng lại không thể chia sẻ thì những điều tưởng chừng như rất nhỏ trong cuộc sống sẽ lớn dần lên và trở thành gánh nặng tâm lý cho cả hai, đặc biệt là người vợ - người trực tiếp lo lắng cho con cái, cho cuộc sống gia đình.

Vợ chồng bạn đến với nhau bởi tình yêu và đã có với nhau một bạn bé đáng yêu. Hơn nữa cả hai vợ chồng bạn đều là tri thức, tôi tin rằng các bạn sẽ có cách giải quyết thích đang cho mỗi sự việc xảy ra trong cuộc sống.

Tôi đã phải đọc bức thư của bạn rất kỹ mới có thể cân nhắc đưa ra những chia sẻ của mình. Trước tiên, tôi cảm thấy khâm phục người phụ nữ có nghị lực biết phấn đấu vì công việc lại có thể lo lắng đầy đủ cho gia đình như bạn. Hơn nữa bạn cũng là người phụ nữ biết nhường nhịn, chịu thương chịu khó, khi góp ý với chồng mà không hiệu quả, chồng còn sử dụng bạo lực bạn đã không có phản kháng mà chỉ đơn thuần là buồn mà thôi. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng buộc người phụ nữ phải nhẫn nhịn chịu đựng đâu bạn. Cần phải sống sao cho hợp tình hợp lý là không dễ, cần phải cân nhắc tìm biện pháp tốt nhất, khôn ngoan nhất để chèo lái con thuyền cuộc sống không bị chao đảo.

Điều quan trọng nhất lúc này là bạn không được buông xuôi. Bởi con còn quá nhỏ. Nếu như bạn buông xuôi lúc này, sau này con sẽ rất khổ. Còn chồng bạn, tôi nghĩ mặc dù gia đình anh ấy không khá giả, nhưng có lẽ bởi anh chưa phải lo toan về tiền bạc quá nhiều,lại có tính quen ỷ nại, dựa dẫm vào người khác nên khi có gia đình rồi anh ấy như một thói quen sẽ dựa dẫm vào bạn. Thêm tính gia trưởng lại càng khiến người phụ nữ là bạn, ở bên cạnh anh ấy cảm thấy… khó sống.

Tôi khẳng định với bạn rằng, tôi hoàn toàn không muốn gia đình bạn tan vỡ. Nhưng khi đã hết sức khuyên, chia sẻ, góp ý từ nhẹ nhàng đến cãi vã mà chồng bạn vẫn không thay đổi thì bạn cũng cần đến sự can thiệp của người lớn. Tôi muốn gợi ý cho bạn một bước giải quyết, xin nhấn mạnh đây chỉ là gợi ý mà thôi, bạn hãy xin phép cơ quan nghỉ một thời gian, hãy mang con về nhà bố mẹ… chồng để nghỉ ngơi, để ông bà có thời gian gần cháu hơn, cũng là để tình cảm mẹ chồng nàng dâu thêm gắn bó. Thời gian ấy, ở bên cạnh mẹ chồng và thủ thỉ hết những điều bạn và chồng bạn chưa được hòa thuận, mẹ là người có kinh nghiệm, mẹ sẽ cho bạn lời khuyên chính xác.

Tôi mong rằng, bạn sẽ tìm được cách giải quyết hợp lý cho cuộc sống của mình.

Chị Ban Mai

Gặp phải các tình huống tâm lý khó xử trong cuộc sống, bạn đọc có thể gửi thư về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia tâm lý để chia sẻ cùng bạn.