Nhân dịp đầu năm mới 2025, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, về những khát vọng phát triển khoa học công nghệ nước nhà khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57. 

Từ một nhà khoa học, rồi khởi nghiệp bằng một công ty nhỏ và hôm nay là Chủ tịch của Tập đoàn công nghệ lớn CMC, ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại quãng thời gian dài đã qua:

Trước khi thành lập CMC, tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với bằng giỏi rồi tự cầm đơn đi xin việc và được nhận vào Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

Lúc bấy giờ, Viện là cơ quan thuộc Chính phủ, ngang với Viện Khoa học Việt Nam hay Bộ Khoa học, và do ông Vũ Đình Cự, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Viện trưởng.

Những năm 90, đất nước rất khó khăn, người dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Thế hệ chúng tôi chỉ biết đi làm ở các cơ quan Nhà nước, trong đó làm việc ở Viện là đỉnh cao vì lương bổng cũng khá, môi trường làm việc tốt và đặc biệt là có cơ hội đi nước ngoài học tập, nghiên cứu.

0a8a8020 copy 127780.jpg
Ông Nguyễn Trung Chính: Tôi nhận thấy vẫn còn những điều bản thân chưa hài lòng trong chặng đường đã qua. Ảnh: VietNamNet

Năm 1992, Hiến pháp được thông qua, công nhận kinh tế tư nhân. Đây là một bước ngoặt, các công ty tư nhân bắt đầu được thành lập. Lúc đó, anh Chu Hảo cho nhóm chúng tôi tách ra thành lập Trung tâm ứng dụng công nghệ máy tính (ADCOM) tự hạch toán. Sau hai năm, đến năm 1993, tôi quyết tâm tách hẳn ra riêng.

Đó là bước ngoặt đầu tiên trong đời tôi. 

Làm việc ở khu vực công rất gò bó và, thật không may, Viện bị cháy nên chúng tôi mất hết sản phẩm nghiên cứu, tài liệu, sách vở. Bên cạnh đó, các công ty tư nhân bắt đầu bung ra cũng thôi thúc tôi, một người trẻ và  đầy nhiệt huyết, bước ra khỏi vùng an toàn để chấp nhận thách thức. Và rồi có CMC bây giờ.

Rất may là thời điểm từ sau năm 2000 có rất nhiều sự bùng nổ như thị trường chứng khoán, có các công ty niêm yết, Việt Nam kết nối Internet, sự kiện Y2K… Lúc đó có phóng viên nước ngoài viết bài về công ty chúng tôi với nhan đề “Embargo not here” đăng trên tờ VietNam Investment Review, sau đó các hãng thông tấn nước ngoài đăng lại.

Năm 2003, nhân CMC kỷ niệm 10 năm thành lập, chúng tôi đã có khẩu hiệu “Hướng tới tương lai số” với đầy đủ định nghĩa về tương lai số, xã hội số, thế giới số. Đây là định hướng rất quan trọng cho chiến lược phát triển tập đoàn sau này.

Đến năm 2007, chúng tôi quyết định thành lập Công ty cổ phần rồi lên kế hoạch trở thành công ty đại chúng để có thêm nhiều người khác, nhiều nguồn lực khác tham gia phát triển công ty. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng khái niệm mô hình Tập đoàn với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia như bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Đình Cung, cố luật sư Nguyễn Ngọc Bích…

Chỉ 10 năm sau khi rời Viện và điều hành CMC, điều gì khiến ông đã có những suy nghĩ về chuyển đổi số, về công ty đại chúng trong bối cảnh đất nước lúc đó rất khác, Luật Doanh nghiệp mới đi vào hiệu lực có 3 năm?

Ông Nguyễn Trung Chính: Tôi là dân nghiên cứu nên luôn có tinh thần ham học hỏi. Khi đi nước ngoài, tôi luôn quan sát xem họ làm gì, làm như thế nào để phát triển rất mạnh mẽ như vậy.

Năm 1998, CMC đã thành lập Blue Sky – Hệ thống chuỗi bán lẻ tập trung có nhiều lợi ích và kết nối với các nhà cung ứng trên toàn cầu. Chúng tôi đã học chính mô hình của Sim Lim Square ở Singapore khi đó. Tôi luôn thích cái mới của thế giới để đem về nước để áp dụng, trải nghiệm và từ đó phát triển.

Trung Chinh CMC.jpg
Chủ tịch CMC giới thiệu Hệ sinh thái mở AI của CMC. 

CMC cũng là công ty đầu tiên hợp tác với Intel để sản xuất máy tính ở quy mô công nghiệp. Năm 2003, CMC có nhà máy sản xuất máy tính đầu tiên ở Việt Nam hợp tác chiến lược với Intel. Intel lúc đó chọn một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan để xây dựng, phát triển. Ở Việt Nam, Intel chọn CMC.

Tư duy về tương lai số của tôi trở nên sâu sắc hơn từ năm 2016. Khi đi nước ngoài học hỏi, tôi nhận thấy chuyển đổi số đã diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt ở Mỹ, trong khi Việt Nam còn mơ hồ, vẫn chỉ suy nghĩ ứng dụng công nghệ thông tin. 

Trước khi những công ty điện tử Nhật Bản, Hàn Quốc vào nước ta, Việt Nam cũng đã có ngành công nghiệp điện tử, nhưng sau khi họ vào thì ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam biến mất. Ông Nguyễn Trung Chính

CMC công bố chiến lược chuyển đổi số và ra mắt hệ sinh thái C.OPE2N. Đây cũng là thời điểm đánh dấu bước phát triển quan trọng và thúc đẩy Tập đoàn đi theo hướng toàn cầu hoá, lấy công nghệ số và chuyển đổi số là chiến lược. Gần đây, CMC lại công bố chiến lược chuyển đổi AI.

Đây là một bước chuyển rất quan trọng của doanh nghiệp, xã hội và Chính phủ. Nếu tất cả chúng ta đều nhận thức được đây là cuộc chơi mới và biết cách tận dụng nó sẽ đem lại những cơ hội và tiềm năng vô hạn, tạo được đà bật mạnh hơn thời điểm bùng nổ công nghệ những năm 2000.

Tôi muốn kể lại những thành công đó để thấy CMC đã tiên phong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi nhận thấy cũng vẫn còn những điểm chưa thành công, vẫn còn những điều bản thân vẫn chưa hài lòng trong chặng đường đã qua.

Chưa thực sự dấn thân

Trong quá trình xây dựng CMC, ông có nuối tiếc về điều gì đáng lẽ phải làm, các quyết định lẽ ra phải đưa ra để CMC phát triển tốt hơn?

Ông Nguyễn Trung Chính: CMC đã tiên phong trong một số lĩnh vực nhưng khi gặp khó khăn chúng tôi lại chưa dấn thân, chưa tìm mọi cách để vượt qua.

Ở Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, tôi tập trung nghiên cứu sản xuất máy tính. Lập CMC, tôi đã cố gắng hiện thực ước mơ có máy tính thương hiệu Made in Vietnam theo đúng nghĩa, tức là thiết kế luôn hệ điều hành, thiết kế những con chip rất cơ bản.

Chúng tôi có hệ điều hành tiếng Việt đầu tiên dựa trên Linux, có Sun Office để cạnh tranh với Microsoft Office… Máy tính của chúng tôi, chắc bạn còn nhớ, không khác gì IBM, Dell. Thế nhưng ở Viện tôi đã thất bại vì yếu tố khách quan là Viện đã bị cháy mất hết tài liệu, còn ở CMC thì tôi lại gặp vấn đề khác.

Không có doanh nghiệp FDI nào vào Việt Nam làm sản xuất đúng nghĩa. Họ chỉ đưa linh kiện, thiết bị lõi của họ từ nước ngoài vào Việt Nam để lắp ráp. Bản chất là họ đang khai thác thị trường. Ông Nguyễn Trung Chính

Lúc bấy giờ, máy tính nhập khẩu nguyên chiếc có thuế suất 0% trong khi nhập linh kiện về lại chịu thuế suất là 5%. Bên cạnh đó, thuế VAT 10% lại được bắt đầu áp dụng đúng năm CMC khai trương hệ thống siêu thị; chúng tôi không thể cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ lẻ.

Lúc đó, tôi xin lãnh đạo Chính phủ hai điều: Thứ nhất, hãy tin tưởng vào doanh nghiệp tư nhân chúng tôi và thứ hai, hãy tạo điều kiện để chúng tôi phát triển thêm một số năng lực để từ đó chúng tôi sẽ đưa ngành công nghiệp sản xuất máy tính lên tầm cao mới.

Đáng tiếc là tôi thuyết phục không đủ tốt và hiệu quả để lãnh đạo hiểu phát triển ngành công nghiệp công nghệ máy tính là rất quan trọng.

Cùng thời điểm đó, Huawei cũng ra đời bên Trung Quốc, Chủ tịch Huawei cũng xuất thân từ Viện nghiên cứu rồi tách ra làm doanh nghiệp. Và ngày nay, Huawei đã phát triển như thế nào!

Tất nhiên, có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan để dẫn đến chưa thành công của chúng tôi, nhưng lẽ ra, nếu được ủng hộ và CMC quyết tâm hơn, thì có lẽ giờ đây chúng ta có ngành công nghiệp máy tính của Việt Nam rồi.

det may 3 (7)_1.jpg
Chúng ta không tham gia được vào chuỗi giá trị mà chỉ cung cấp nhân công giá rẻ để lắp ráp. Ảnh: Hoàng Hà

Dựa vào FDI hay doanh nghiệp trong nước?

Ông có nghĩ lẽ ra lúc đấy mà ông cố gắng thuyết phục được các vị lãnh đạo ủng hộ thì câu chuyện phát triển của CMC và ngành công nghiệp máy tính Việt Nam đã khác?

Ông Nguyễn Trung Chính: Chắc chắn. Nếu khi đó tôi thuyết phục được các lãnh đạo thì bây giờ ngành sản xuất máy tính của Việt Nam đã khác rất nhiều.

Chúng ta thử xem bài học thành công của Trung Quốc sẽ thấy nhiều điều. Ví dụ, Trung Quốc có chính sách rất rõ ràng: tất cả các doanh nghiệp FDI vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Đây là điểm mấu chốt. Ngoài ra, Trung Quốc rất chú trọng xây dựng năng lực nội địa.

Trong khi đó, chúng ta thu hút FDI vào ngành công nghiệp điện tử thì gần như nước ta đã mất luôn tất cả các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử. 

CMC đã tiên phong trong một số lĩnh vực nhưng khi gặp khó khăn chúng tôi lại chưa dấn thân, chưa tìm mọi cách để vượt qua. Ông Nguyễn Trung Chính

Trước khi những công ty điện tử Nhật Bản, Hàn Quốc vào nước ta, Việt Nam cũng đã có ngành công nghiệp điện tử, nhưng sau khi họ vào thì ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam biến mất. Bây giờ, lĩnh vực điện tử về doanh nghiệp nước ngoài, từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Các chính sách của chúng ta không đủ khôn ngoan để giành lấy lợi ích về cho quốc gia mình.

Có một điểm nữa tôi muốn nói là, không có doanh nghiệp FDI nào vào Việt Nam làm sản xuất đúng nghĩa. Họ chỉ đưa linh kiện, thiết bị lõi của họ từ nước ngoài vào Việt Nam để lắp ráp. Bản chất là họ đang khai thác thị trường. Họ đầu tư nhưng là đầu tư khai thác chứ không phải phát triển thị trường. Lẽ ra họ phải đầu tư cho R&D, đầu tư cho sản xuất từ đầu đến cuối nhưng họ chỉ chọn Việt Nam là nơi sản xuất lắp ráp, mà giá trị lắp ráp chỉ chiếm 5% giá trị sản phẩm thôi.

Chúng ta không tham gia được vào chuỗi giá trị, chúng ta chỉ cung cấp nhân công giá rẻ để lắp ráp cho họ.

Ngành công nghiệp điện tử đã mất. Các ngành công nghiệp công nghệ khác như công nghiệp cơ khí bây giờ cũng không còn, hoặc lay lắt. Càng ngày những công ty công nghệ có năng lực càng biến mất. Vậy thử hỏi chúng ta dựa vào đâu để tự lực, tự cường? Dựa vào FDI hay dựa vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước? Đây là những vấn đề rất lớn mà tôi rất trăn trở.

Làm thế nào tăng trưởng ‘trên 10% trong 20 năm tới’?

Làm thế nào tăng trưởng ‘trên 10% trong 20 năm tới’?

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra một thông điệp đáng chú ý: Trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Điểm đột phá để hiện thực hóa “cuộc cách mạng số”

Điểm đột phá để hiện thực hóa “cuộc cách mạng số”

Vị thế quốc tế của Việt Nam đang rất tốt đẹp, khi các nhà lãnh đạo nêu ra những bài toán lớn, đi tiên phong cùng thời đại. Đó sẽ là hấp lực để thu hút các trí tuệ lớn của thế giới đồng hành với “cuộc cách mạng số” của đất nước.