Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ô-cha, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Indonesia Widodo, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là diễn giả chính của hội nghị năm nay.
Với chủ đề “Chào đón tương lai: nắm bắt, tham gia, kiến tạo”, hội nghị gồm 15 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế khu vực và toàn cầu như đổi mới sáng tạo, các thách thức lớn của thương mại và đầu tư khu vực, tăng trưởng bao trùm và bền vững, y tế sau đại dịch, chuyển đổi số, xu hướng việc làm, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và rủi ro toàn cầu, và tương lai của APEC.
Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về “Tương lai thương mại và đầu tư, các cơ hội và thách thức đối với hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về bốn yêu cầu/đặc điểm quan trọng của thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới.
Đó là, bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một “sân chơi” toàn cầu. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực đến thương mại xuyên biên giới và kinh tế toàn cầu.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những thành tựu và chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn về năng lượng, lương thực.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng GDP thuộc nhóm cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự báo ở mức 7,2% năm 2022 và 6,7% trong 2023.
Là một nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam đã ký kết và thực thi gần 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, RCEP... Các thành quả tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho thấy việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong bình diện khu vực và toàn cầu có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ ưu tiên của Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI với công nghệ cao, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ thực tiễn của mình, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc “đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, chia sẻ, lắng nghe cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong mọi tình huống; đồng thời đẩy mạnh tạo thuận lợi, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Việt Nam mong muốn Cộng đồng doanh nghiệp APEC sẽ nêu cao tinh thần hợp tác, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực.
Phát biểu của Chủ tịch nước nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở những chia sẻ, nhận định của Chủ tịch nước, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại và đầu tư ở khu vực và tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp.