Chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố. Cùng dự còn có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và một số bộ, ngành Trung ương...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại: Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vào thăm, làm việc với TP.HCM. Sau buổi làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản giao Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của TP để xử lý.
“Trước khi vào đây, tôi cũng đã hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Cuộc hội ý thống nhất trên tinh thần phải trao cho TP.HCM một cơ chế thuận lợi hơn để phát triển năng động hơn”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước cũng cho biết, chiếc áo cơ chế hiện nay với một siêu đô thị như TP.HCM là quá chật hẹp. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và các cơ quan chức năng của Nhà nước đã thấy vấn đề này.
“Chính vì thế mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu một số kiến nghị của TP.HCM tại cuộc làm việc hôm trước với TP”, Chủ tịch nước thông tin.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu TP.HCM phải đề xuất bằng được những cơ chế sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Vì điều này có ý nghĩa lớn trước khi nói đến những cơ chế, chính sách lớn hơn cho TP.
Theo Chủ tịch nước, kinh tế TP.HCM phải tỏa sáng dựa trên sức mạnh KH-CN và trí thức trẻ. Áp dụng KH-CN để thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô tăng trưởng nền kinh tế, nhất là các mô hình tăng trưởng mới.
Đánh giá cao thành quả kinh tế-xã hội mà TP.HCM đạt được thời gian qua, nhất là thành quả phát triển sau đại dịch và cũng là bài học kinh nghiệm để TP tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý, TP.HCM không quá say sưa với thành công ban đầu, phải thấy được những khó khăn hiện nay đang làm cho TP.HCM phát triển chưa như mong muốn.
5 kiến nghị để TP.HCM phát triển năng động hơn
Báo cáo với Chủ tịch nước cùng đoàn ĐBQH, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%.
Sau khi kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng, bình quân 9 tháng đạt 9,97%.
Chủ tịch Phan Văn Mãi thay mặt UBND TP kiến nghị với Đoàn ĐBQH, đặc biệt là với Chủ tịch nước quan tâm, ủng hộ, giúp sức cho thành phố, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, cụ thể như sau:
Thứ nhất, ủng hộ để Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng và sứ mệnh của thành phố giai đoạn mới; giao trọng trách để thành phố và các cơ quan Trung ương tập trung triển khai thực hiện tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thứ hai, trước mắt cho phép thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội đến hết năm 2023; đồng thời Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế chính sách phát triển thị trường tài chính quốc tế tại; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo; chính sách và cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức.
Thứ ba, về lâu dài, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Thứ 4, quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị sớm có chủ trương, định hướng cho Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM.
Thứ 5, quan tâm, đóng góp tích cực và hiện thực hóa quan điểm mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó “TP.HCM là thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là tri thức trẻ đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của Vùng; nơi tập trung của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới".