Buổi làm việc này nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, các đối tượng chịu ảnh hưởng theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua.
Ảnh minh họa. Diệu Bình |
Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, trên cơ sở lãnh đạo của Đảng thì Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách về tiền tệ, tài khoá, an sinh xã hội, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 nghị quyết, văn bản liên quan đến vấn đề này. Chính phủ cũng ban hành 2 Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19 và nhiều chính sách mang tính chất trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chi phí cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có nhiều hoạt động, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp để giảm thiểu khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch.
Việc ban hành các chính sách đã góp phần khắc phục khó khăn trong đời sống nhân dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là các chính sách về giảm, giãn, hoàn thuế.
Cụ thể, cả nước đã gia hạn 99,2 nghìn tỷ đồng tiến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 57 nghìn hộ kinh doanh và tiền thuê đất cho 128,6 nghìn doanh nghiệp; gia hạn 19,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2020 đối với xe ô tô.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế đã kịp thời giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho tăng trưởng và nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc, giải ngân thấp,... Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội tiếp tục cập nhật việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thông qua các kênh HĐND các địa phương.
Chính phủ sớm tổng kết đánh giá các gói hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có cả khối đơn vị sự nghiệp, khu vực kinh tế phi chính thức báo cáo tổng hợp để báo cáo tại Kỳ họp của Quốc hội.
Dẫn chứng tình hình kinh tế- xã hội quốc tế, khu vực có nhiều nước tiến tới mở cửa nền kinh tế nhờ đã tiêm chủng vắc xin diện rộng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kinh tế xã hội trong nước có nhiều điểm sáng.
Cụ thể như, tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thu hút đầu tư, tỷ giá ổn định, dịch bệnh bùng phát mạnh nhưng cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07 mới đây, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” nhưng trong đó cao nhất là phòng chống dịch, bảo đảm sức khoẻ cho người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính, ngân hàng và nợ công.
Trong đó, tiếp tục thực hiện giải pháp 5K+ công nghệ và coi vấn đề tiêm chủng vắc xin là chiến lược và nghiên cứu vắc xin cho trẻ em; có kế hoạch, lịch trình cụ thể để tiêm vắc xin để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tìm kiếm nguồn cung vắc xin.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm có kịch bản tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số và kích cầu nội địa.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không chủ quan với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả trong điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, quan tâm kiểm soát bong bóng tài sản; nhanh chóng triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống.
Hoài Thanh