Cứ theo logic này mà xét thì có lẽ không chỉ ở thế hệ này mà cả chục thế hệ nữa chúng ta cũng không thể đuổi kịp họ (trừ khi có đại hồng thủy).
Trong lịch sử của mình, Việt Nam đã một vài lần không biết nắm lấy cơ hội và để tuột mất thời cơ có thể thay đổi vận mệnh và đẳng cấp dân tộc. Sự dễ hài lòng, dễ chấp nhận và ngại thay đổi trong tính cách Việt đã ngăn cản chúng ta vượt ra khỏi lũy tre làng để tiến đến với chiếc xe Lexus. Những nước biết tận dụng cơ hội đã làm rất tốt để âm thầm vượt qua chúng ta và dần dần định vị mình trên bản đồ văn minh thế giới.
Một khi đã bị một cái ngưỡng nào đấy khống chế, con người sẽ tự nguyện nghĩ và đi dưới cái ngưỡng này và không dám ước mơ cao xa hơn.
Ngoài ra nếu dựa vào kết quả thống kê thì chắc hẳn chúng ta sẽ không dám mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực vốn đã là thị phần của các nước lớn và mãi mãi bị bỏ lại phía sau. Nhìn vào trường hợp của Flappy Bird, có thể nhận ra rằng, trong một thế giới có vẻ như đã an bài về vị thế này, vẫn còn nhiều đất cho chúng ta nếu ta dám nghĩ, dám ước mơ và dám mạo hiểm. Đặc biệt chúng ta không nhất thiết phải đi theo những gì mà mọi người đã vạch ra theo lối tư duy thông thường.
Ảnh: Kham pha |
Tự do hay khuôn phép?
Trong một bài phát biểu của mình, một quan chức của Bộ GD-ĐT đã khẳng định:"tuy có nhiều bất cập và lo ngại cho nền giáo dục nước nhà, nhưng cũng cần phải công nhận là chất lượng giáo dục của chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong mấy thập niên qua". Đứng trên bình diện kiến thức tuyệt đối mà xét thì điều này hoàn toàn đúng, nhưng nếu đứng trên bối cảnh hội nhập quốc tế mà xét thì có lẽ chúng ta cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc hơn.
Từ bao đời nay, bất chấp sự lo lắng của các bật tiền bối, các thế hệ con cháu vẫn phất được lá cờ của thế hệ mình khi đến lượt họ. Trong xu thế mới của giáo dục hiện nay, khái niệm "công dân toàn cầu" hay "công dân của thế kỷ 21" đang rất phổ biến. Thay vì việc tranh cãi xem phương pháp hay cách tiếp cận nào là tốt, chuẩn hay phù hợp nhất cho giáo dục nước nhà, người ta có vẻ quan tâm hơn đến thuật ngữ "kết quả học tập" (learning outcomes). Có nghĩa rằng bạn có thể được đào tạo ở môi trường nào, thể chế nào hay quốc gia nào cũng được, nhưng khi tốt nghiệp bạn cần phải nắm được một lượng kiến thức và kỹ năng cơ bản, đủ để sống, làm việc trong môi trường toàn cầu.
Một nền giáo dục khai phóng tự do có thể mang lại cho học sinh nhiều khả năng sáng tạo và lối tư duy độc lập hơn, nhưng nó chưa hẳn là yếu tố then chốt quyết định sự văn minh của một cá nhân hay một thế hệ. Sự văn minh của người Nhật nơi ít nhiều chữ "phạm" (khuôn phép) vẫn có vai trò nhất định trong nền giáo dục có thể là một ví dụ cần tham khảo.
An sinh xã hội
Trong cơ chế vận hành của mình, ở hầu hết các quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội thuộc về trách nhiệm của Nhà nước (hay còn gọi là chủ thể có trách nhiệm). Nhà nước, thông qua các cơ quan đại diện của mình có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công thiết yếu để đảm bảo đời sống của người dân và duy trì ít nhiều sự bình đẳng trong xã hội thông qua các chính sách cụ thể hoặc các ưu đãi dành cho phụ nữ hoặc người bị thiệt thòi trong xã hội.
Dịch vụ công được cung cấp tốt chính là trách nhiệm của nhà nước bởi vì nhà nước thu thuế của dân và có trách nhiệm phải phục vụ nhân dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu như Y tế, Giáo dục , nước sạch,an ninh, trật tự...
Các giá trị xã hội vừa là nguyên nhân quyết định chất lượng của dịch vụ công nhưng cũng vừa là đầu ra phản ánh chất lượng của một nền dịch vụ công. Để một xã hội, nơi người dân được đảm bảo về an sinh, có cuộc sống yên bình và phẩm giá con người được tôn trọng thì xã hội đó cần phải có một nền dịch vụ công tốt và công bằng.
Để làm được điều này thì trước hết ba nguyên tắc trong số rất nhiều nguyên tắc của một nền Quản trị công bằng và dân chủ cần được đảm bảo, bao gồm (i) Thượng tôn pháp luật, (ii) Minh bạch và (iii) Trách nhiệm giải trình.
Nếu chúng ta đều thượng tôn pháp luật, minh bạch trong thông tin của mọi khâu trong quá trình cung cấp dịch vụ và chiu trách nhiệm trước nhân dân (chủ thể giữ Quyền - khách hàng) về những dịch vụ mình cung cấp thì không cần đợi đến các thế hệ sau, người Việt chúng ta đã có thể văn minh và có đạo đức dân sự ngay từ thế hệ này.
Quan trọng là các thế hệ tương lai sẽ khó mà văn minh được nếu như chúng ta không chung tay hành động ngay từ bây giờ để hạn chế các nguy cơ hiện hữu và những thách thức tiêm tàng. Một dân tộc vĩ đại là một dân tộc có thể vượt qua được cái "ngưỡng phát triển" của chính mình để tiến lên một "nấc" khác và qua đó định vị chính mình trong cả kinh tế và chính trị thế giới. Việt Nam chưa bao giờ làm được như vậy, nhưng tại sao chúng ta không dám ước mơ và không đặt tham vọng cùng với các kế hoạch chiến lược cho từng giai đoạn cụ thể. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể tự mình văn minh lên được.
Trần Văn Tuấn
Chuyên gia vận động phát triển về quyền con người, từng hoạt động tại
nhiều nước, bao gồm các quốc gia Châu Á và Châu Phi.
Bài cùng tác giả:
Người Việt định kiến?
Ngoài sàn chứng khoán Nairobi Stock Exchange (NSE). Nairobi là một thành phố năng động, xếp thứ 12 tại Châu Phi về độ lớn với diện tích khoảng 630 km2 và dân số gần 4 triệu người. |