Theo ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, trước khi áp dụng chuyển đổi số, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này trong một thời gian dài duy trì ở mức 8-10%/năm. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng chuyển đổi số, tốc độ tăng trưởng trung bình của Rạng Đông đã tăng vọt lên 20%, tức nhanh gấp đôi so với trước.  

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, Rạng Đông đã chia quá trình chuyển đổi số ra thành từng giai đoạn. Đầu tiên là “dò đá tìm đường”, số hóa từng quy trình riêng lẻ. 

Ông Nguyễn Đoàn Kết Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông). Ảnh: Trọng Đạt

Tiếp đến là giai đoạn đồng bộ hóa các quy trình này trên một nền tảng chung. Ở giai đoạn thứ 3, Rạng Đông tiến tới xây dựng nền sản xuất thông minh, linh hoạt, rồi từ đó quay trở lại tối ưu hoá và hoàn thiện quy trình vận hành. 

Theo ông Kết, chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp này nâng cao khả năng tự động hoá, năng suất lao động, rút ngắn khoảng thời gian điều hành, đưa sản phẩm từ khâu sản xuất ra thị trường. 

Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp này gắn liền với các dịch vụ điện toán đám mây bởi không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống như bóng đèn, phích nước, Rạng Đông giờ đây đã có nhiều sản phẩm IoT phục vụ cho thị trường nhà thông minh, thành phố thông minh và nông nghiệp thông minh. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Gunish Chawla - Giám đốc điều hành bộ phận Doanh nghiệp thị trường tầm trung & doanh nghiệp vừa và nhỏ của Amazon Web Services (AWS) ASEAN cho biết, công nghệ điện toán đám mây có thể giải quyết nhiều vấn đề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. 

Với điện toán đám mây, các doanh nghiệp SME có thể tiết kiệm chi phí do không phải bỏ tiền đầu tư ban đầu, mà chỉ cần trả tiền cho dịch vụ tùy theo mức độ sử dụng. 

Ngoài ra, sự uyển chuyển, linh hoạt của các loại hình dịch vụ điện toán đám mây cũng phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 50% GDP và tạo ra công ăn việc làm cho 70% lực lượng lao động tại Việt Nam.

Ông Gunish Chawla chuyên gia về điện toán đám mây của AWS. Ảnh: Trọng Đạt

Tuy vậy, trong quá trình chuyển đổi số, thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang gặp phải là khả năng tiếp cận công nghệ, bao gồm năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp và kỹ năng của nhân viên, bên cạnh đó là những rào cản về mặt chi phí. 

Để loại bỏ rào cản này, nhiều công ty điện toán đám mây đã đưa ra các chương trình tài trợ nhằm thúc đẩy việc ứng dụng cloud tại Việt Nam. Với AWS, đơn vị này vừa cho ra đời AWS Lift - một chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số với mức hỗ trợ lên tới 85.000 USD.

Theo ông Gunish Chawla, hành trình ứng dụng điện toán đám của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bắt đầu từ việc chuyển đổi môi trường làm việc từ trực tiếp lên online, tạo ra sự hiện diện của mình trên không gian mạng. 

Với bước tiếp theo, các doanh nghiệp có thể tính đến việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào quản trị nhân sự, kế toán, kiểm kê để nâng cao năng suất lao động. Tiếp đến là dùng các công nghệ mới như AI, máy học (machine learning) để phân tích các dữ liệu đang có, từ đó tối ưu hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng. 

Chuyển đổi số sẽ là đáp án giải quyết cho nhiều vấn đề nan giải của các doanh nghiệp SME.

Rút kinh nghiệm từ bài học của Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng, chuyển đổi số là câu chuyện không có hình mẫu chung cho các doanh nghiệp. Mỗi công ty phải tìm ra con đường cho riêng mình.

“Chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ mới mà còn phải chuyển đổi tư duy, nhận thức, chiến lược kinh doanh, mô hình điều hành. Đặc biệt, trong chuyển đổi số phải động đến mô hình tổ chức, đó là vấn đề liên quan đến con người, thay đổi một người không dễ, thay đổi một tập thể còn khó hơn nhiều”, ông Kết nhấn mạnh. 

Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp phải tự tìm ra cho mình những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.