Mở đầu buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định Việt Nam rất quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quyết tâm chính trị đã được thống nhất và cụ thể hoá ở các cấp. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Thứ trưởng, khi tham gia hội nhập kinh tế, phát triển thương mại, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức trong việc kiểm soát, giảm thiểu, phòng ngừa rủi ro về an ninh thương mại. Việt Nam muốn lắng nghe những kinh nghiệm, gợi ý về giải pháp công nghệ của Chính phủ và các doanh nghiệp Israel trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là tăng cường hiệu quả an ninh thương mại tại các cửa khẩu.

Ông Yarron Mayer - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Yarron Mayer - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ ngày càng lớn mạnh giữa 2 nước, nhất là trong lĩnh vực TT&TT: “Trong khuôn khổ hợp tác song phương, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ. Israel sẽ trình bày những kinh nghiệm về chuyển đổi số của mình, đồng thời muốn lắng nghe ý kiến từ phía Việt Nam. Israel mong có thêm các cuộc đối thoại để hai bên học hỏi lẫn nhau bằng việc cử các phái đoàn sang thăm và chia sẻ về công nghệ”.

Bài học chuyển đổi số từ Israel

Ông Counselor Gal Saf - Tham tán thương mại Đại sứ quán Israel cho biết, từ năm 2013, nước này đã cho ra đời nghị quyết đầu tiên về chuyển đổi số. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, cải thiện mối liên hệ giữa chính phủ và chính quyền các địa phương. Israel nhận thấy điều mà người dân mong muốn khi sử dụng dịch vụ công là sự rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ cả những nhu cầu riêng biệt và có thể đáp ứng 24/7, ở bất kỳ đâu, với một cửa duy nhất. 

Tham tán thương mại Counselor Gal Saf chia sẻ về các kinh nghiệm chuyển đổi số tại Israel. Ảnh: Trọng Đạt

Đầu tiên, chính phủ Israel phát triển một nền tảng số dùng chung với tên gọi MyGov, tất cả các dịch vụ công đều được xây dựng trên nền tảng này. Người dân có thể dùng tài khoản cá nhân truy cập vào MyGov từ xa, 24/7 mà không phải đến cơ quan công quyền nào. Nhờ thông tin trên hệ thống, họ có thể biết đến kỳ trả thuế hay chưa, việc đăng ký sở hữu xe cũng thực hiện online. Israel còn tích hợp thêm chatbot để hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội.  

Trong chuyển đổi số, Israel có cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm. Trước kia, mỗi cơ quan chính phủ có một hệ thống riêng, giờ đây các dịch vụ được liên kết với nhau trên cùng một nền tảng số. 

“Nhờ số hoá mọi quy trình, việc sử dụng dịch vụ công trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Bản thân công chức chúng tôi cũng có thể kết nối với đồng nghiệp ở các cơ quan khác. Hiệu quả làm việc trong nội bộ và với bên ngoài được cải thiện rất nhiều”, Tham tán thương mại Đại sứ quán Israel nhận định. 

Hiện có 22 bộ ngành tại Israel được hưởng lợi từ chuyển đổi số, hầu hết mọi quy trình làm việc đều được đưa lên môi trường số. Khi chuyển đổi số đầy đủ, 60 cơ quan bộ ngành với 266 dịch vụ liên quan tới việc xác thực, nhận diện nhân thân... sẽ được số hóa.  

Song song với nền tảng số MyGov, Israel cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân và các chương trình hướng nghiệp miễn phí. Ở bước tiếp theo, Israel sẽ tối ưu hoá dữ liệu dựa trên AI, tiến tới dựa vào số liệu để đưa ra quyết định.

Việt Nam - Israel có nhiều tiềm năng hợp tác về chuyển đổi số

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Israel đã chia sẻ với phía Việt Nam một số giải pháp phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số. Đáng chú ý là giải pháp thúc đẩy ngành hàng không tăng cường kiểm soát an ninh tại các cảng, sân bay; giải pháp trợ giúp ngành hải quan nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và giải pháp hỗ trợ ngành hàng hải cải thiện năng lực theo dõi, kiểm soát các chuyến tàu vận tải. 

Các cơ quan, tổ chức Việt Nam lắng nghe phần trình bày về giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Israel. Ảnh: Trọng Đạt

Ở chiều ngược lại, đại diện Bộ TT&TT giới thiệu với phía Israel về thành tựu phát triển của ngành cũng như những thế mạnh của Việt Nam về sản xuất phần mềm và dịch vụ CNTT, xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử,...

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT), Việt Nam và Israel có thể tăng cường hợp tác số bằng việc chia sẻ chính sách, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ 4.0 và tổ chức các buổi hội thảo kết nối doanh nghiệp 2 nước.

Khép lại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cảm ơn những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ từ các đại biểu và đánh giá cao tiềm năng, ý nghĩa của các giải pháp công nghệ Israel trong việc giải quyết những bài toán của Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ lan tỏa những kinh nghiệm này tới cộng đồng các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức ở Việt Nam thông qua các hội, hiệp hội nghề nghiệp. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cảm ơn những kinh nghiệm được chia sẻ và mong muốn Việt Nam - Israel sẽ hợp tác bền chặt hơn nữa. Ảnh: Trọng Đạt

Bộ TT&TT mong muốn Việt Nam và Israel hình thành cơ chế để trao đổi thảo luận một cách song phương, đa phương, kịp thời và thường xuyên hơn. Bao gồm câu chuyện giải bài toán nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính phủ, thu hẹp khoảng cách số để không ai bị bỏ lại phía sau. 

Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Israel trên một số lĩnh vực, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, an toàn an ninh mạng và mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.