Triển khai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, bởi hầu hết những hộ mới được công nhận thoát nghèo điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ tái nghèo nếu gặp rủi ro.
Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp thêm động lực cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế bền vững hơn.
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp thêm động lực cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế bền vững hơn. Ảnh minh họa. |
Không còn lo chuyện tái nghèo
Bà Trần Thị Chỉ, thị trấn Yên Ninh, tỉnh Ninh Bình trước đây dù làm lụng chăm chỉ nhưng cuộc sống bấp bênh, vài năm trước, gia đình bà được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ cần cù, chịu khó, nguồn vốn vay ưu đãi đã phát huy hiệu quả tốt, giúp gia đình không chỉ có của ăn mà còn có của để.
Được sự tiếp sức của NHCSXH và chính quyền địa phương, gia đình bà Chỉ vay thêm 100 triệu đồng, mức vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để cải tạo chuồng trại chăn nuôi và mua thêm bò sinh sản.
Hiện đàn bò phát triển lên 16 con, trong đó có 4 con sinh sản. Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có lãi gần 100 triệu đồng. “Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững, có tiền cho các con học hành và nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Chỉ phấn khởi chia sẻ.
Cũng nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay dành cho hộ mới thoát nghèo, nhiều gia đình mới thoát nghèo ở xóm 5 xã Yên Mạc có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Làm ăn hiệu quả, họ không còn lo chuyện tái nghèo.
Đồng hành cùng các hộ mới thoát nghèo
Thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm truyền tải vốn tín dụng ưu đãi đến hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh nhanh nhất và phát huy hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở rà soát nhu cầu vốn của tỉnh, hàng năm NHCSXH đã cân đối, bố trí kịp thời nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, đồng thời, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó, trong thời gian qua không có tình trạng có hộ mới thoát nghèo trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện mà không được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Cùng với việc giải ngân vốn nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH tỉnh còn chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Nhờ đó, nợ quá hạn thấp, chiếm 0,06%/tổng dư nợ của chương trình. Nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đang được người dân tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, trồng rừng, cây ăn quả và cây lấy gỗ, cây dược liệu ....
Sau 5 năm triển khai, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 10 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo, giúp người dân tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội.
Từ những thành tựu đã đạt được, NHCSXH đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất, kiến nghị với Trung ương tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định (31/12/2020); kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm; kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài...để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.
Phạm Thiện