Bên lề Diễn đàn đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 do tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Pharma Group) tổ chức tại Hà Nội, Phó giáo sư Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết, công tác chuyển đổi số ở ngành y tế đang triển khai ở nhiều mức độ. Đặc biệt, việc thực hiện bệnh án điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp cải cách thủ tục hành chính, người dân không cần phải chờ đợi, nhân viên y tế cũng không mất thời gian hỏi người bệnh về các thông tin cá nhân. 

Ví dụ, khi đăng ký khám chữa bệnh chỉ cần qua đầu đọc thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có dữ liệu hành chính giúp giảm thời gian từ 2-3 phút xuống còn 30 giây. Người dân dễ dàng lưu trữ thông tin sức khỏe của mình hơn, lịch sử khám chữa bệnh. 

Bác sĩ cũng không còn mất thời gian đánh máy, lo chữ xấu, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 

tran quy tuong.png
Phó giáo sư Trần Quý Tường chia sẻ về chuyển đổi số tại diễn đàn. Ảnh: BTC

Bệnh án điện tử giúp giám đốc bệnh viện có thể biết được dữ liệu tức thời. Ví dụ, bác sĩ nào ngồi phòng khám, việc kê đơn thực hiện ra sao. Trước đây, một bệnh viện có hiện tượng bác sĩ kê đơn thuốc BHYT lên tới hàng triệu đồng, mỗi ngày kê vài chục đơn thuốc nhưng không có công nghệ nên không thể kiểm soát được. 

Khi áp dụng khoa học công nghệ, bệnh án điện tử, nếu bác sĩ kê đơn thuốc bất thường, giám đốc bệnh viện có thể nắm bắt. Vì vậy, một số bệnh viện quy định nếu bác sĩ kê đơn thuốc 5 triệu đồng trở lên sẽ có “nút báo” về ban giám đốc. Công nghệ thông tin quản lý được tất cả các vấn đề bất cập như xu hướng xét nghiệm tăng, lạm dụng đơn thuốc hay danh mục kỹ thuật… giúp công tác quản lý minh bạch.

Ngoài ra, bệnh án điện tử cũng là cơ sở dữ liệu y tế quan trọng để Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo. Nếu không đủ dữ liệu, chúng ta phải sử dụng công nghệ của nước ngoài. 

Phó giáo sư Tường cho biết, điểm mạnh của bệnh viện không giấy tờ là minh bạch trở thành thách thức của công tác chuyển đối số trong ngành y, bệnh án điện tử. Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, hết năm 2023 phải triển khai xong bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện hạng 1. 

Nhưng đến nay mới có 52 bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử, trong đó có 20 bệnh viện hạng 1. 

benh vien thong minh xoa bo benh an giay.jpg
Nhiều bệnh viện chưa triển khai bệnh án điện tử. Ảnh: Phương Thúy

Theo ông Tường, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm trễ triển khai bệnh viện không giấy tờ:

Thứ nhất, ban giám đốc bệnh viện chưa quan tâm, chưa hiểu hết về bệnh án điện tử, thậm chí chưa biết tới Thông tư 46 của Bộ Y tế. 

Thứ hai, nhiều người e ngại tính minh bạch của bệnh viện không giấy tờ như vấn đề thuốc, tài chính, lạm dụng chỉ định.

Thứ ba, hiện chưa có cơ chế tài chính cho chuyển đổi số của bệnh viện, một số đơn vị cho biết gặp khó khăn về tài chính. 

Ông Tường thông tin, bệnh viện không giấy tờ cũng thực hiện luôn chữ ký số để tránh tình trạng ban ngày ký điện tử, tối lại ký giấy tờ bổ sung hồ sơ như nhiều ngành đã làm. Chữ ký của bác sĩ, các lãnh đạo bệnh viện đều được bảo vệ và ký số sẽ công khai, minh bạch biết rõ thời điểm ký, không thể ký lại.

Để công tác chuyển đổi số trong các bệnh viện nhanh chóng thành công, lãnh đạo các bệnh viện cần quan tâm sâu sát đến số hóa, chuyển đổi số y tế. Ông Tường cho hay, theo lộ trình, triển khai được bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy thì chuyển đổi số thành công đến 70%; 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao.