Ngày 18/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện một hành khách lỡ chuyến tàu trên sân ga. Theo ông, trong cuộc đời, chúng ta có lẽ đã lỡ rất nhiều chuyến tàu. Như nhiều người nói, chúng ta đã lỡ một đoàn tàu của nền kinh tế tri thức, rồi tiếp tục lỡ một chuyến tàu mang tên 4.0.
“Tôi muốn chia sẻ với các đồng chí về những suy nghĩ, trải nghiệm của riêng tôi để hôm nay chúng ta lại chuẩn bị ở sân ga lên một đoàn tàu mới cùng khởi hành. Đó là đoàn tàu chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chính là người đưa chúng ta lên tàu để chúng ta đi đến một hành trình mới”, Bộ trưởng nói. Ông cũng mong rằng chúng ta không phải là người lại lỡ một nhịp tàu nữa, lại đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động tiến về phía trước. Chúng ta phải là người mạnh mẽ, dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó rồi cùng nhau khởi hành.
Bộ trưởng cho rằng, khi nói về chuyển đổi số, chúng ta thường phức tạp hóa những vấn đề đơn giản. Còn tư tưởng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì ngược lại, làm sao đơn giản hóa những thứ phức tạp để mỗi người có thể tiếp cận được những giá trị đó.
Chuyển đổi số sẽ giúp nông nghiệp Việt vươn xa, nâng cao giá trị nông sản |
Nhiều doanh nhân, chính trị gia trên thế giới hay nói về câu khẩu hiệu: Thay đổi. Nếu không thay đổi là chết. Có lẽ, chúng ta không chết nhưng nền nông nghiệp chúng ta lùng nhùng, khó cất cánh trong bối cảnh tri thức của nhân loại đang phủ trên những cánh đồng, nhà máy. Tất cả đều đang chuyển động, bà con nông dân đang chờ chúng ta.
Ông đã viết một bài về câu chuyện mù mờ trong nền Nông nghiệp Việt. Mù mờ về thông tin mới làm ngắt quãng cung – cầu. Người sản xuất thì mù mờ về thị trường, thị trường mù mờ về người sản xuất, người tiêu dùng mù mờ về chất lượng… Cơ quan quản lý cũng mù mờ luôn về những câu chuyện đó. Nền nông nghiệp mù mờ dẫn đến hệ quả chúng ta phải giải cứu.
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu số nông nghiệp cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của nông nghiệp Việt Nam, kết hợp với ứng dụng hiển thị thông tin dữ liệu là rất cần thiết. Hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam sẽ đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô (gồm hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng cây trồng...).
Hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp cũng sẽ giúp kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật, đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Ông mong nền nông nghiệp được định vị nhiều nhưng trước tiên phải là nền nông nghiệp minh bạch. Minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin vì chỉ có thế hình ảnh nông nghiệp mới vươn xa. Minh bạch cũng là thương hiệu của một nền nông nghiệp có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng, với hàng chục triệu hộ nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT xác định khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là 2 trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hai vấn đề này đều liên quan mật thiết đến chuyển đổi số.Vì vậy, chúng ta cùng nắm tay nhau để không bỏ lỡ chuyến tàu chuyển đổi số.
"Tôi cũng hi vọng rằng chúng ta cùng nhau đi hết hành trình, không ai xuống ga nửa chừng mà cùng nhau tiến đến ga cuối cùng. Thực ra, cũng không có ga nào gọi là ga cuối cùng trên chuyến tàu chuyển đổi số này. Chúng ta phải tiến về phía trước và cũng hy vọng rằng không ai bỏ xuống dọc đường để quay lại trước kia như điểm xuất phát", ông nói.
Về câu chuyện chuyển đổi số theo Bộ trưởng, nếu nhìn rộng dài không chỉ là câu chuyện tận dụng hay ứng dụng công nghệ để làm tăng trưởng, mà là để giúp cho hàng chục triệu hộ nông dân khi tiếp cận được công nghệ số thì tri thức mở ra cho người nông dân. Đó mới là giá trị.
Người ta nói nền nông nghiệp của chúng ta là bán giá cả, còn của người ta là bán cái giá trị. Giống như là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là bán giá trị, bán hình ảnh. Một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, một hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải là tay lấm chân bùn nữa, thay vào đó là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số.
Mục tiêu tích hợp đa giá trị chúng ta bán một giá trị - tức là bán cả trời, cả nước, cả mây cả không khí, gió, lịch sử, truyền thống văn hóa bản địa… kết tinh vào sản phẩm.Tích hợp từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị thì chuyển đổi số là “cú hích” để thấy rằng chúng ta tạo ra được giá trị cho nông sản cũng như cho sự phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số thực chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số.
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số,..; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bài và ảnh: Thu Thủy