“Nếu bà Thoa là đại diện cho vốn Nhà nước tại công ty thì câu chuyện ở đây rất đáng bàn cho ra nhẽ” - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn.
LTS: Xung quanh câu chuyện đang được dư luận quan tâm về khối tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Fulbright.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn |
Thưa ông, ông có nhận thấy điều gì bất thường khi một quan chức cấp Thứ trưởng như bà Thoa có khối tài sản khủng gần 700 tỷ đồng trong công ty bóng đèn Điện Quang?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Những thông tin trên báo chí chỉ lấy mốc từ khi bà Hồ Thị Kim Thoa làm lãnh đạo công ty Điện Quang, sau đó lên thứ trưởng Bộ Công thương. Còn trước đó nữa thì sao? Tôi tìm thông tin tiểu sử của bà Hồ Thị Kim Thoa trước thời điểm là lãnh đạo công ty Điện Quang không thấy gì cả.
Tuy nhiên, có thể nhận ra bà Hồ Thị Kim Thoa xuất thân từ công chức. Năm 2005 là thời điểm Công ty Điện Quang cổ phần hóa (CPH). Tiền thân công ty này có từ lâu, những năm 1970, sau đó sát nhập các công ty bóng đèn lại, đến năm 1991 chính thức đổi tên thành bóng đèn Điện Quang. Năm 2005 thì cổ phần hóa. Bà Hồ Thị Kim Thoa là đại diện cho vốn nhà nước chăng?
Trước khối tài sản khủng của vị này, trả lời báo chí, các cơ quan chức năng cho biết tài sản đó có trước khi làm thứ trưởng Bộ Công thương. Vậy trước khi làm lãnh đạo công ty Điện Quang, xuất phát điểm của vị này là gì, để rồi khi làm lãnh đạo Công ty Điện Quang lại có tài sản khủng như vậy cho đến khi lên làm thứ trưởng Bộ Công thương? Các cơ quan chức năng chưa làm rõ chỗ này.
Nếu bà Hồ Thị Kim Thoa là đại diện cho vốn Nhà nước tại công ty thì câu chuyện ở đây rất đáng bàn cho ra nhẽ.
Có phải ông muốn nói đến nguy cơ “mô hình Đông Âu” mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo đối với giai đoạn CPH doanh nghiệp nhà nước, tức lợi dụng thay đổi chính sách để trục lợi. Ông có thể chỉ ra sự bất ổn ở đây?
Thứ nhất, cơ chế của chúng ta về đại diện vốn nhà nước tại các DNNN sau khi CPH còn bất ổn. Là cán bộ công chức, nếu được nhà nước giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, được nhà nước trả lương.
Cũng ở vị trí đó, nếu kiêm nhiệm thêm một vị trí đại diện phần vốn nhà nước, thì lại được thêm một phần thu nhập từ vị trí kiêm nhiệm. Những lợi ích có được như thưởng, cổ tức hay bất cứ thứ gì cho vị trí đại diện vốn sở hữu nhà nước thì lẽ ra phải đưa vào ngân sách, chứ không phải cá nhân người được giao đại diện. Chúng ta phải cần thay đổi mạch lạc ra như vậy.
Thứ hai, những DNNN cổ phần hóa, bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, trong đó có công nhân, theo giá rất ưu đãi với triết lý là để gắn lợi ích người lao động vào công ty. Nhưng đây là kiểu đem tư duy hợp tác xã vào công ty cổ phần. Bởi thực tế không mấy người lao động giữ cổ phần này mà nhanh chóng bán đổ bán tháo lại. Và trong nhiều trường hợp, người mua lại là các vị ông bà lãnh đạo công ty.
Đừng nói công nhân không có tầm nhìn này nọ. Họ là những người lao động thu nhập thấp, muốn có sự cải thiện thu nhập trong ngắn hạn. Ngay cả lợi ích trong tương lai thì cũng quá ít so với việc giải quyết nhu cầu trước mắt của họ. Vì thế mà một mục đích tốt đẹp, vô cùng nhân văn của bán cổ phần lại bị rơi vào… hàm cá mập!
Bà Hồ Thị Kim Thoa hay các vị lãnh đạo khác có thâm niên, vị trí công tác thì làm sao có được nhiều vốn như vậy? Họ phải gom rất nhiều cổ phần của người lao động bán lại thì mới có mức sở hữu khủng, trở thành tài sản kếch xù như thế.
Đây không phải là trường hợp cá biệt nếu không nói là phổ biến. Hãy thống kê xem có bao nhiêu người giữ vị trí đại diện vốn nhà nước trong các DNNN sau khi CPH mà nghèo hoặc giàu có bậc trung không? Không! Họ cực giàu vì hai lý do như tôi đã phân tích trên.
Nếu bà Hồ Thị Kim Thoa bằng tài năng, từ một người lao động trong công ty thăng tiến lên trưởng phòng rồi phó giám đốc, giám đốc v.v… thì rất đáng để xã hội ngưỡng mộ tài năng đó và tài sản bà gây dựng được. Nhưng người ta đang đặt câu hỏi, nếu vị này có xuất phát điểm như một người lao động bình thường, thì liệu có được cơ ngơi tài sản như vậy không? Đây là vấn đề rất lớn đặt ra vô cùng nhức nhối.
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh |
Thưa ông, điều đáng bàn hơn cả là những người vừa nắm giữ vị trí quản lỳ Nhà nước như bà Hồ Thị Kim Thoa lại vừa nắm nhiều cổ phần tại doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của ngành bà giữ vị trí quản lý là không ít. Ông có thể đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Trước hết, chúng ta nói vấn đề đại diện, cơ chế đại diện dẫn đến mâu thuẫn lợi ích nghiêm trọng trong khi lại thiếu cơ chế giám sát và đối trọng giám sát. Chúng ta không thể so sánh với các nước như Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump là tỷ phú, có tài sản riêng, có cả một tập đoàn hùng mạnh. Giờ ông ta làm tổng thống liệu có xung đột lợi ích hay không? Mới nhìn thì thấy là có, nhưng thể chế chính trị của họ có những đối trọng quyền lực, đối trọng về giám sát, về giải trình ngăn ngừa hành vi trục lợi nếu có.
Việt Nam thiếu vắng những thể chế như thế. Thành ra sẽ là ngụy biện nếu lấy trường hợp tổng thống của Hoa Kỳ vào làm dẫn chứng rằng có thể có quan chức là lãnh đạo kiêm nhiệm những vị trí lãnh đạo trong các DN. Khi quan chức làm lãnh đạo trong DN, ngoài những lợi ích có được, nó còn bóp chết cạnh tranh lành mạnh, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng, không minh bạch và không thượng tôn pháp luật.
Chẳng hạn như có một đối thủ nào đó xuất hiện cạnh tranh, giành thị phần và áp đảo Điện Quang, thì với vị thế của một một lãnh đạo ngành, người ta có thể ban hành những quy định, những văn bản có lợi cho Điện Quang. Đây là rủi ro rất lớn với thể chế đại diện chủ sỡ hữu nhà nước trong doanh nghiệp sau CPH như hiện nay. Đó là chưa kể người ta còn lập ra các DN sân sau để chuyển những lợi ích, cơ hội về đó.
Câu chuyện này cho thấy một bất cập trong mô hình về đại diện sở hữu nhà nước trong DNNN. Những người như vậy có được khối gia sản khổng lồ không phải do tài năng kiệt xuất trong kinh doanh mà lại từ đặc quyền nhà nước.
Cũng giống như định luật bảo toàn vật chất thôi, lợi ích phải lấy từ đâu đó, có thể từ phúc lợi của người dân do bóp nghẹt cạnh tranh, có thể là từ ngân sách Nhà nước do hợp đồng mua sắm, có thể từ những đối thủ cạnh tranh khác… Điều này rất nguy hại cho xã hội. Bài học từ Đông Âu cũng từ giai đoạn tư nhân hóa mà ra, giống như chúng ta từ quá trình CPH!
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
Duy Chiến thực hiện