Người lái xe cứu hộ phải có thần kinh thép để vững vàng cứu người và phương tiện bị nạn. Đôi khi những người lính cứu hộ còn phải nén chặt nỗi đau trước bi kịch của đồng loại để tiếp tục công việc.

Có thể nói, cứu hộ giao thông là nghề đầy khó khăn, nguy hiểm. Bởi lẽ, xe cứu hộ chỉ có mặt khi các phương tiện giao thông xảy ra tai nạn. Vì thế, làm nghề đặc thù này, mỗi người lính cứu hộ phải thật dũng cảm, chịu được gian truân, áp lực và có thần kinh thép. Có lẽ do thế mà những người làm công việc cứu hộ giao thông thường là nam giới.

Làm cứu hộ vốn khó, phụ nữ làm cứu hộ lại càng khó hơn. Thế nhưng, khi được cùng chồng có mặt khắp đó đây giải cứu những phương tiện giao thông bị tai nạn đã thôi thúc chị Phạm Thị Thu Hà (SN 1978) chính thức trở thành một người lính cứu hộ giao thông đầy dũng cảm.

{keywords}

Chị Phạm Thị Thu Hà - người lính lái xe cứu hộ đầy dũng cảm

Chị Phạm Thu Hà (Công ty Cứu hộ Sơn Hà - Đội cứu hộ giao thông tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Chồng chị làm cứu hộ cũng khá lâu, khi có tai nạn giao thông, chị phụ chồng đi làm cứu hộ. Sau những ngày tháng quan sát anh nhà làm nên giờ đây chị có thể cùng một phụ xe rong ruổi ở bất cứ nơi đâu có tai nạn.

Công việc này khá đặc thù nên phải cẩn thận từng chút, sơ sảy là có tai nạn ngay, có những lúc cũng phải bê vác những thứ cồng kềnh như kẹp lốp, phụ tùng...

Không kể những lúc ngoài trời nóng 40 độ hay những cơn gió bấc vù vù, những cơn mưa xối xả...chỉ cần có tiếng gọi cứu hộ là chị lại xách đồ lên và... đi.

Chị Hà kể, cách đây một năm, khi chị vừa đưa bát cơm lên miệng thì có người gọi cứu hộ vì có xe đang xảy ra tai nạn, chị tức tốc đi ngay. Tới tiểu khu 6 thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa), cảnh tượng đập vào mắt là tai nạn kinh hoàng, một người được khâm liệm ngay tại chỗ, tiếng gào khóc vang lên thảm thiết. Người lái xe cũng bị thương nặng, chân bị kẹp chặt trên cabin.

Lúc ấy, xót xa cho người đã nằm xuống, đau đớn thay cho người đang kêu rên trên cabin. Nhưng phải nén tất cả nỗi đau ấy lại, tập trung dùng móc kéo đầu xe bị nạn giãn ra để đưa người lái xe ra khỏi cabin mất gần 1 tiếng và đi cấp cứu tại bệnh viện thị trấn Hà Trung. Sau đó, bằng những thao tác nghiệp vụ chị đưa xe bị nạn đi ngay sau khi công an đến làm việc để cho giải quyết ùn tắc”.

Ngoài chị Hà, tại còn có chị Nguyễn Thị Hồng Cúc (SN 1975 – Công ty Cứu hộ Hồng Cúc tại Gia Lai) cũng đã làm nghề cứu hộ hơn 20 năm nay.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Hồng Cúc trên những chiếc xe cứu hộ giao thông

Chị Cúc chia sẻ: “Chị bắt đầu bước chân vào nghề cứu hộ từ năm 1996. Trước đó, nhà chị không có ai làm nghề này. Từ khi còn rất nhỏ, chứng kiến cảnh những chiếc xe tai nạn loay hoay mãi mới có người trợ giúp. Rồi chị bỗng nhiên mê mẩn có ngày mình sẽ làm được gì đó cứu giúp những người bị nạn nhanh nhất.

Lớn lên chị cứ say mê với nó như một phần của cuộc sống. 20 năm nay, chị gắn bó với nghề này cũng đã trải qua không ít khó khăn, gian khổ. Có nhiều người đến với nghề này nhưng rồi bỏ ngay chỉ sau vài lần trực tiếp đi cứu hộ người bị nạn. Bản thân chị nghĩ mình tới với nghề này như có duyên nợ từ kiếp trước.

Không kể ngày hay đêm, chỉ cần có tai nạn là những chiếc xe màu vàng đặc thù lại lên đường ngay. Bản thân chị cũng đã từng lái xe và gặp tai nạn nên chị rất hiểu những chiếc xe gặp tai nạn họ cần người cứu hộ thế nào”.

{keywords}

Những bông hồng vàng lái xe cứu hộ giao thông

Chị Hồng Cúc cũng cho biết thêm, xe cứu hộ đã dài nhưng lại phải kéo thêm một xe nữa đằng sau mà xe container lại là xe 1 đầu, 1 mooc (nghĩa là xe 2 thân) cộng thêm 1 xe cứu hộ nữa là xe 3 thân vì thế lái quan sát phía sau sẽ rất kém.

Đặc biệt khi phải lùi xe 3 thân thì khá khó. Đòi hỏi người lái xe phải tinh ý, quan sát nhiều lần và có kinh nghiệm. Khi người lính cứu hộ mà đi kéo xe bị tai nạn là xe nặng sợ nhất đường trơn, lúc lên xuống và dốc.

Khi xuống dốc xe sau nặng nó sẽ đẩy trôi xe cứu hộ. Nếu không có kỹ năng sử dụng phanh, số cho hợp lý thì nó sẽ đẩy cả xe cứu hộ đi và sẽ gây tai nạn nghiêm trọng.

Ngoài ra, khi cẩu xe bị tai nạn cũng khá quan trọng, việc cẩu xe phức tạp hơn kéo xe 100 lần. Khi cẩu xe phải có người phụ cứu hộ mắc cáp. Mắc cáp làm sao để không bị thiệt hại thêm cho xe của khách. Đó là một kỹ thuật được đào tạo bài bản.

Làm công việc cứu hộ rất khó khăn và mệt mỏi, ngày đi kéo và cẩu xe cứu hộ còn đêm thì thức vì điện thoại gọi cứu hộ kêu. Mà tai nạn thì chủ yếu xảy ra vào đêm và rạng sáng bởi lái xe bị sương mù che mờ và buồn ngủ. Thế nhưng, 20 năm nay chị vẫn sống bằng niềm vui khi được tự tay giúp những người bị tai nạn giao thông.

Chia sẻ về những khó khăn vất vả của người lính cứu hộ giao thông nhất là khi những người lính ấy là phụ nữ, PV đã trò chuyện cùng anh Nhâm Quang Văn – Chủ tịch Hội Cứu hộ Giao thông Việt Nam.

Anh Nhâm Quang Văn cho hay: “Bản thân mình làm nghề cứu hộ nên mình hiểu những khó khăn, vất vả của nghề đặc thù này. Phụ nữ mà làm nghề này là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, là phụ nữ ai đã dấn thân vào nghề này thì họ trở thành một người lính cứu hộ thực thụ và đầy bản lĩnh. Nhiều khi họ còn mạnh mẽ và kìm nén nỗi đau với đồng loại giỏi hơn cả đấng mày râu. Tôi thực sự khâm phục họ - những người phụ nữ lái xe cứu hộ xứng đáng là những bông hồng vàng của ngành cứu hộ giao thông”.

(Theo Infonet)