Học sinh mê đọc dù trường còn thiếu sách

Nằm ở huyện miền núi biên giới, ngôi trường THCS và THPT Tùng Bá khá khang trang, xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, thư viện ở đây được quan tâm đầu tư tương đối đầy đủ.

Bên cạnh phòng đọc giống như nhiều ngôi trường khác, ở trường THCS và THPT Tùng Bá có một điểm khá ấn tượng là không gian thư viện mở ngoài sân trường, giúp học sinh có thêm chỗ ngồi thoải mái đọc truyện và sách.

Học sinh có chỗ ngồi thoải mái để đọc sách truyện.
 Không gian thư viện mở ngoài sân trường THCS và THPT Tùng Bá (Vị Xuyên, Hà Giang).

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, cô Nguyễn Thị Minh, Phó Hiệu trưởng cho biết: toàn trường có 22 lớp với trên 800 học sinh, chủ yếu sống ở xã Tùng Bá, còn giáo viên chỉ có 5- 6 thầy cô là người xã này, chủ yếu ở ngoài thành phố Hà Giang về quản lý, giảng dạy.

“Dân ở đây nghèo nhưng rất mê đọc. Chiều chiều hoặc giữa giờ ra chơi, các em đến thư viện trường mượn sách truyện đọc rất nhiều. Trường phải phân lịch cho từng lớp. Tôi và các thầy cô giáo ở thành phố vào đây thấy rất lạ khi học sinh mê đọc như thế”, cô Minh kể.

Để thỏa mãn niềm đam mê của học sinh, cô Minh cùng đồng nghiệp rất mong có được một thư viện trường với thật nhiều sách hay, hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế số lượng sách ở đây còn rất khiêm tốn.

Cả thư viện chỉ có khoảng 4.000 cuốn, trong đó quá nửa là sách giáo khoa, toàn là sách cũ; sách tham khảo vừa thiếu vừa không đa dạng về thể loại, chưa đáp ứng nhu cầu đọc của các em.

“Sách tư liệu tham khảo cho cả 2 cấp học (cấp 2 và 3) đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu, thậm chí không có, chỉ có nguồn sách cũ. Tủ sách pháp luật trong thư viện cũng nghèo nàn. Chúng tôi rất cần có thêm sách tham khảo và sách giáo dục pháp luật cho học sinh”, cô Minh bày tỏ.

Trường phải phân lịch cho từng lớp vì số lượng học sinh đăng ký mượn sách nhiều.

Cũng chính vì thiếu sách nên đến giờ trường THCS và THPT Tùng Bá vẫn chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang công nhận đạt trường chuẩn quốc gia.

Nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc

Sách đem lại nguồn kiến thức, tri thức quý giá cho học sinh các vùng miền. Và đối với học sinh ở Tùng Bá, sách lại càng có giá trị đặc biệt. 

Khi nhiều trẻ em ở thành thị lãng quên sách để “kết thân” với máy tính, điện thoại di động thì học sinh các tỉnh miền núi vẫn chủ yếu tìm nguồn tri thức trong những trang viết.

“Học sinh vùng cao nên vốn từ rất ít. Khi đọc sách vốn từ phong phú hơn, các em vận dụng vào môn học như làm Văn sẽ tốt hơn”, cô Tống Ngọc Huyền, chủ nhiệm lớp 6D tâm sự.

Nhiều hoạt động khuyến đọc đã được áp dụng, chẳng hạn như thầy cô giáo giao bài về nhà, yêu cầu phải đọc thêm tài liệu tham khảo để hoàn thành bài tập; cho học sinh vẽ tranh, thuyết trình về một cuốn sách, nhân vật trong sách…

Mấy năm gần đây, nhà trường tích cực triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc. Nổi bật nhất là các hoạt động trong tháng 4 như mời đại diện Thư viện tỉnh tới trường giao lưu tuyên truyền về sách (năm ngoái làm về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm); tổ chức chương trình văn nghệ tuyên truyền về sách…

Năm nay cũng vậy, cùng với việc duy trì văn hóa đọc hàng ngày, khuyến khích học sinh tự tìm sách đọc theo nhu cầu trong tháng 4 nhà trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời: giới thiệu sách, mô hình xếp sách…

Nhiều hoạt động khuyến đọc hiệu quả đã được áp dụng với học sinh vùng cao. 

Các thầy cô của trường THCS và THPT Tùng Bá mong muốn thời gian tới sẽ nhận được thêm sự đồng hành chia sẻ từ nhà hảo tâm để cung cấp cho trường nhiều đầu sách, giúp các em tiếp cận tri thức phong phú hơn. “Sách cũ cũng được, không cần mới tinh. Chỉ cần sách phục vụ tốt cho nhu cầu học tập và giảng dạy của nhà trường dù mới hay cũ cũng đều rất quý”, lời của cô Phó Hiệu trưởng khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi...