- “Mối “nhân duyên” bắt nguồn từ cách đây hàng trăm năm đang đưa người dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau” – Đại sứ Nguyễn Vũ Tú.

LTS: Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In tới Việt Nam (ngày 22 - 24/3), Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú. 

{keywords}
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú

Xin Đại sứ cho biết, kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992), quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển ra sao?

25 năm là quãng thời gian không dài cho cuộc đời một con người, và càng không dài đối với quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên chỉ trong 25 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được nhiều bước phát triển to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, và đặc biệt là về kinh tế.

Hai nước hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số vốn đầu tư lũy kế đến hết 2017 đạt 57,6 tỷ USD, đối tác lớn thứ 2 trong các lĩnh vực thương mại (năm 2017 đạt 61,5 tỷ USD), du lịch (năm 2017 đã có hơn 2,4 triệu lượt khách Hàn Quốc sang Việt Nam), viện trợ ODA và lao động. Hai nước có hơn 150 ngàn kiều dân đang sinh sống tại nước bên kia và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Chuyến thăm lần này của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In có gì đặc biệt, thưa Đại sứ?

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In sẽ thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 22 - 24/3. Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mun Che In thăm song phương Việt Nam và là lần thứ hai tới Việt Nam sau dịp dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tháng 11 năm ngoái.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 5/2017, Tổng thống Mun Che In đã lần đầu tiên cử Đặc phái viên đến một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam, thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Hàn Quốc cũng như cá nhân Tổng thống đối với quan hệ với Việt Nam. Tổng thống Mun Che In sẽ là vị Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trong năm Mậu Tuất 2018.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mun Che In diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt - Hàn đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị mọi mặt với Hàn Quốc. Hàn Quốc đang tích cực triển khai chính sách Tân phương Nam nhằm đưa quan hệ Hàn Quốc - ASEAN lên một tầm cao mới.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, và đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của Chính phủ và nhân dân hai nước. Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mun Che In tới Việt Nam lần này sẽ diễn ra tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thiết thực, củng cố tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo Cấp cao, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đây cũng là dịp để Lãnh đạo hai nước nhìn lại những kết quả đạt được trong 25 năm qua và cùng định hướng cho tương lai quan hệ hai nước trên chặng đường 25 năm sắp tới.

Tôi hy vọng kết quả tích cực của chuyến thăm lần này sẽ tạo động lực cho quan hệ Việt - Hàn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, trong đó các hoạt động giao lưu, tiếp xúc các cấp, các ngành đặc biệt là giữa Lãnh đạo Cấp cao hai nước sẽ tiếp tục được duy trì thường xuyên, hợp tác thương mại, đầu tư tiếp tục được mở rộng theo hướng bền vững, cân bằng và cùng có lợi trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của mỗi bên, các lĩnh vực giao lưu hợp tác khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động, khoa học công nghệ không ngừng được tăng cường. 

{keywords}
Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân tới Đà Nẵng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tháng 11/2017. Ảnh: QĐND

Theo Đại sứ, hợp tác giữa hai nước sẽ được tiếp tục, mở rộng như thế nào?

Tuy mới thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 25 năm, song có thể nói quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Đơn cử trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2017 đã tăng 3 lần so với năm 2012, kim ngạch thương mại song phương giai đoạn 2012-2017 tăng 200%.

Tôi tin tưởng với quyết tâm của Lãnh đạo và sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong lĩnh vực chính trị, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố sự tin cậy và hợp tác thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo Cấp cao; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng; triển khai hiệu quả và thực chất các cơ chế hợp tác song phương hiện có; và hợp tác chặt chẽ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề đa phương tại khu vực và quốc tế có liên quan đến lợi ích chung của cả hai bên.

Cụ thể những lĩnh vực nào sẽ trở thành “điểm sáng” thưa Đại sứ?

Hợp tác kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Trên cơ sở đà quan hệ sẵn có và sự bổ sung về cơ cấu kinh tế, tôi tin tưởng hai nước sẽ hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời tích cực hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại cân bằng thông qua việc Hàn Quốc tăng cường nhập khẩu các hàng nông sản, thủy sản, thịt gia súc và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam là địa bàn đầu tư, tôi hy vọng Việt Nam sẽ thu hút ngày càng nhiều vốn FDI chất lượng cao từ Hàn Quốc, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội hợp tác với các đối tác Hàn Quốc để tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc.

Giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới trên cơ sở sự tương đồng về văn hóa và tình cảm gắn bó, gần gũi giữa người dân hai nước. Một trong những lĩnh vực hợp tác rất có tiềm năng là giáo dục. Trong những năm gần đây, số lượng lưu học sinh Việt Nam học tập tại Hàn Quốc tăng nhanh, hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của Hàn Quốc, ngoài ra còn có hàng chục nghìn học sinh theo học tiếng Hàn Quốc.

Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam được Chính phủ và các trường Đại học của Hàn Quốc cấp học bổng du học tại Hàn Quốc. Đồng thời, hy vọng ngày càng nhiều trường Hàn Quốc sẽ đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một bộ môn chính thức nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của quan hệ hợp tác, giao lưu giữa hai nước. 

{keywords}
Đại sứ đi thăm khu di tích Trung Hiếu Đường tại huyện Bông Hoa, tỉnh Kiêng Sang Búc. Trong ảnh: Bên tay trái Đại sứ là Huyện trưởng Bông Hoa ông Pác Nô Úc, bên phải là Chủ tịch Hội Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn (hậu duệ Hoàng tử Lý Long Tường) ông Lý Thừa Vĩnh.

Một năm qua trong nhiệm kỳ của mình tại Hàn Quốc chắc chắn đã giúp Đại sứ hiểu sâu sắc thêm rất nhiều về mối quan hệ của hai nước?

Trong một năm sang công tác tại Hàn Quốc, tôi đã đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người tại Hàn Quốc. Mỗi nơi tôi đến, mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại những ấn tượng sâu sắc cho tôi, đặc biệt là về tình cảm thân thiện, chân thành của người dân Hàn Quốc đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Tôi ấn tượng về ước nguyện muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, về tấm lòng yêu mến chân tình, và về lời xin lỗi Việt Nam của nhiều bạn Hàn Quốc về quá khứ đau buồn giữa hai nước, về ước nguyện muốn trả món nợ lương tâm với Việt Nam bằng các việc làm thiết thực.

Vừa qua, tôi đã có một chuyến đi ấn tượng đến khu di tích Trung Hiếu Đường tại huyện Bông Hoa, tỉnh Kiêng Sang Búc. Trung Hiếu Đường là nơi tôn vinh tinh thần trung quân và lòng hiếu thảo của ông Lý Trường Phát, cháu đời thứ 13 của Hoàng tử Lý Long Tường [1]  (cháu đời thứ 12 của Nhất Thanh - con trai thứ hai của Lý Long Tường).

Ông Lý Trường Phát đã hy sinh khi tình nguyện tham gia nghĩa quân chống giặc ngoại xâm vào năm 1592, để lại mẹ già, vợ và con nhỏ mới 74 ngày tuổi. Khi mất, trong ống tay áo ông Lý Trường Phát có một bài thơ gồm 20 chữ [2] thể hiện tấm lòng trung thành với đất nước và hiếu thảo với mẹ già. Người dân Hàn Quốc đã 3 lần dựng tấm bia để thể hiện lòng tôn kính đối với ông. Tấm bia đá là di tích lịch sử duy nhất còn lại ở Hàn Quốc khắc tên Hoàng tử Lý Long Tường.

Chuyến đi đến Trung Hiếu Đường đã giúp tôi hiểu rõ hơn những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa hai nước. Cả Việt Nam và Hàn Quốc trước đây cũng như ngày nay luôn coi trọng những giá trị tiêu biểu trong Nho giáo như “trung” và “hiếu”. Di tích về Hoàng tử Lý Long Tường, ông Lý Trường Phát là những minh chứng rõ ràng cho thấy sự gắn kết sâu sắc từ lâu đời giữa hai nước.

Chính quyền tỉnh Kiêng Sang Búc (tỉnh đồng tổ chức Lễ hội Văn hóa Thế giới năm 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Bông Hoa đang xem xét triển khai dự án phát triển khu di tích thành quần thể văn hóa du lịch mang tên Làng Việt Nam. Mối “nhân duyên” bắt nguồn từ cách đây hàng trăm năm đang đưa người dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau. Tôi cho rằng nhiều giá trị văn hóa chung như “trung”, “hiếu”, “nhân duyên” chính là nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị hợp tác bền chặt giữa hai nước hiện nay và trong tương lai./.

Huỳnh Phan – Mỹ Hòa

-----

[1] Năm 1226, để tránh loạn lạc trong nước sau khi nhà Lý mất ngôi sang nhà Trần, Hoàng tử Lý Long Tường (con thứ bảy của vua Lý Anh Tông) đã vượt biển sang định cư tại khu vực Ung Chin (Khang Linh), tỉnh Hoang He (Hoàng Hải) thuộc phía Đông Bắc Bán đảo Triều Tiên. Hoàng tử Lý Long Tường đã lập nhiều công trong việc giúp triều đình Cao Ly chống giặc ngoại xâm và được ban tặng đất đai tại khu vực Hoa Sơn, sau này gọi là “dòng họ Lý Hoa Sơn”. Hiện nay nhiều người trong hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc vẫn nhớ về tổ tiên tại Việt Nam và tích cực đóng góp cho quan hệ Việt - Hàn.

[2] 百年存社稷 Bách niên tồn xã tắc/ 六月着戎衣 Lục nguyệt trữ nhung y/ 憂國身空死Ưu quốc thân không tử/ 思親魂獨歸Tư thân hồn độc quy. Tạm dịch là: Vì sự tồn vinh của đất nước, tháng 6 đã khoác lên mình áo giáp, dù bỏ mạng mọn vì lo lắng cho đất nước, chỉ còn linh hồn cô đơn trở về do không quên được mẹ già.

Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam

Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/3.

Vị lưỡng quốc trạng nguyên nào hiện còn hậu duệ ở Hàn Quốc?

Vị lưỡng quốc trạng nguyên nào hiện còn hậu duệ ở Hàn Quốc?

Ông là một trong số những vị trạng nguyên kiệt xuất nhất sử Việt. Sinh thời, khi đi sứ đã lấy một người vợ người Cao Ly, hiện vẫn còn hậu duệ ở Hàn Quốc.