Với hai nhóm chính sách “củ cà rốt” và “cây gậy”, các thành phố châu Á nói chung, Hà Nội nói riêng mới thay đổi hành vi của người đi xe máy.
>> Xem lại Kỳ 1: Hà Nội có giàu lên, vẫn khó cai 'nghiện' xe máy
Câu hỏi đặt ra cho các nhà làm chính sách giao thông ở Châu Á đang phát triển, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, là: Hệ thống giao thông đô thị trong tương lai sẽ như thế nào? Xe máy có thể đóng vai trò gì phù hợp nhất trong hệ thống đó? Những giải pháp chính sách gì cần thiết để hiện thực hóa bức tranh giao thông tương lai đó?
Hoán đổi vai trò của xe máy
Các hệ thống Giao thông công cộng (GTCC) nhanh, sức chở lớn sẽ đóng vai trò chủ đạo trong giao thông đô thị tương lai. Nhưng từ những phân tích tại Bài 1, chúng ta có thể dự đoán rằng, mạng lưới GTCC này vẫn khá mỏng,. Trong tương lai nhiều khu dân cư đặc biệt là ở vùng ngoài trung tâm thành phố sẽ phải đi bộ rất xa hàng cây số để đến ga tàu điện, trạm xe buýt nhanh.
Do đó, việc phát triển các tuyến dịch vụ vận tải trung chuyển (feeder services) là cực kỳ quan trọng để cải thiện điều kiện tiếp cận GTCC. Xe buýt loại vừa và nhỏ đương nhiên là lựa chọn đầu tiên, nhưng phạm vi áp dụng vẫn bị hạn chế bởi sự thiếu hụt hệ thống đường thứ cấp, đường dân sinh. Vì vậy, cần thiết phải phát triển các phương thức khác, trong đó có xe đạp và xe máy.
Xe đạp có thể thực hiện tốt vai trò ở cự ly trung chuyển ngắn và thích hợp trong khu vực nội thành. Xe máy có thể phục vụ ở cự ly xa hơn và đặc biệt thích hợp ở khu vực ngoại thành nơi mạng lưới GTCC sẽ vẫn còn mỏng.
Việc hoán đổi dần vai trò của xe máy từ phương tiện đi lại chính sang phương tiện trung chuyển có thể đem lại một số lợi ích như tận dụng được ưu điểm tiết kiệm bãi đỗ (so với ô tô) và nâng cao tính an toàn bởi xe máy sẽ chỉ sử dụng vào các chuyến đi ngắn, chạy với tốc độ thấp.
Cảnh ùn tắc kéo dài trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Cường Celano - Otofun/ VietnamNet |
Tại các thành phố như Hà Nội, người dân ở các khu vực ngoại ô, các thành phố thị trấn vệ tinh vẫn vào trung tâm thành phố để đi làm, đi học hàng ngày bằng xe máy dọc theo các trục đường chính (hành lang giao thông), với cự ly lên đến 15-20 km, thậm chí 25-30 km. Đây là điều vô cùng nguy hiểm trong tương lai.
Vì thế, trên một hành lang giao thông nào đó, ngay sau khi đưa tuyến GTCC vận chuyển nhanh vào sử dụng, phải lập tức phải chuyển đổi xe máy thành phương tiện tiếp cận đến các nhà ga chính dọc tuyến. Cần cung cấp bãi đỗ xe máy/ xe đạp, nhà chờ cho xe ôm ở trước các sân ga để người dân đến đó gửi xe rồi đi tàu điện, buýt nhanh vào trung tâm thành phố. Đồng thời, cấm xe máy lưu thông trên trục đường song song với tuyến GTCC nhanh vào giờ cao điểm hoặc cấm hoàn toàn. Trong trung tâm thành phố thì kiểm soát chặt chẽ bãi đỗ xe máy và tăng phí trông giữ xe.
Việc lặp lại chiến lược này cho các hành lang khác sẽ góp phần cắt giảm nhu cầu sử dụng xe máy trên phạm vi toàn thành phố. Cuối cùng xe máy sẽ chuyển thành phương tiện trung chuyển hoặc chỉ dùng vào các chuyến đi ngắn như ở Tokyo và Seoul hiện nay.
Hệ thống giao thông đô thị tương lai và vai trò của xe máy. Biểu đồ: Vũ Anh Tuấn |
Cây gậy và củ cà rốt
Để thay đổi cục diện hệ thống giao thông trong tương lai, cần xây dựng khung chiến lược quản lý GTXM với các mục tiêu cụ thể phân theo giai đoạn:
Trong ngắn hạn 5 năm, cần tăng cường quản lý an toàn GTXM; Thiết lập luật, quy định quản lý dòng xe máy; Hạn chế, cấm đỗ xe máy (ô tô) trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Trong trung hạn 5-10 năm, cần tăng phí sử dụng xe máy để phản ánh đúng chi phí xã hội của sử dụng xe máy (như thu phí đỗ xe cao); Tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cấp chất lượng dịch vụ buýt (như mở các tuyến xe buýt nhanh - BRT); Khuyến khích người đi xe máy sử dụng GTCC (như cung cấp bãi đỗ xe ở trạm buýt, hạn chế thí điểm xe máy theo hành lang giao thông).
Trong dài hạn 10-15 năm, cần phát triển mạnh các tuyến đường sắt đô thị, metro; Chuyển đổi mạnh các chuyến đi xe máy hàng ngày sang GTCC (Ví dụ, cung cấp bãi đỗ tại ga tầu điện, hạn chế hoặc cấm xe máy theo khu vực và dọc các tuyến GTCC nhanh); Kiểm soát gắt gao, tăng phí đỗ xe máy ở khu vực công sở, văn phòng và khu dân cư.
Về cơ bản, khung chiến lược gồm 2 nhóm chính sách “củ cà rốt” và “cây gậy” để thay đổi hành vi của người đi xe máy.
Nhóm chính sách “củ cà rốt” là đầu tư nâng cấp chất lượng GTCC sớm và quyết liệt để tạo phương tiện thay thế chất lượng. Câu hỏi đặt ra là, trong các lựa chọn công nghệ GTCC (gồm BRT, LRT – đường sắt hạng nhẹ và MRT - đường sắt hạng nặng) ở hành lang giao thông nào, khi nào thì cần áp dụng công nghệ nào sao cho tạo mạng lưới xương sống liên thông, phủ khắp thành phố, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá và đáp ứng, thu hút được đại đa phần những người đi xe máy, ô tô chuyển sang sử dụng.
Nhóm chính sách “cây gậy” là những quy định, luật lệ, chế tài để quản lý kiểm soát GTXM, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nỗ lực thay đổi phương thức đi lại của người dân. Nếu buông lỏng hoặc quản lý kiểm soát GTXM yếu kém thì người dân sẽ tiếp tục sử dụng xe máy mà không chuyển sang GTCC mặc dù có đưa vào khai thác các tuyến metro, BRT,....
Nếu quản lý kiểm soát mạnh mẽ và duy trì liên tục ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ tạo ra hiệu quả đột phá trong chuyển đổi phương thức, GTCC sẽ phát triển mạnh mẽ thay thế xe máy trong các chuyến đi chính, còn xe máy sẽ chỉ được sử dụng để di chuyển đến nhà ga hoặc trạm buýt hoặc các chuyến đi ngắn. Về lâu dài, xe đạp, xe đạp điện sẽ thay thế cả xe máy trong các chuyến đi cự ly ngắn và dùng để tiếp cận các trạm GTCC, giống như bức tranh giao thông hiện nay ở các thành phố lớn trên thế giới có GTCC rất tốt như Tokyo, Singapore, hay Seoul.
Quốc Phong - nhóm PV
>> TIN LIÊN QUAN: