Đọc sách giúp em được sống nhiều cuộc đời hơn
Năm 1999, Nguyễn Thùy Trang chào đời trong niềm hân hoan của gia đình có 3 chị em gái ở Lấp Vò (Đồng Tháp). Thế nhưng, Trang lớn lên không được bình thường như các bạn cùng trang lứa.
Từ nhỏ, cứ mỗi lần thay quần áo lỡ mạnh tay hoặc ho, hắt hơi quá mạnh, chơi đùa với các bạn bị ngã là Trang lại bị gãy tay, gãy chân, gãy xương sườn... Khi 4-5 tuổi, Trang được bố mẹ đưa xuống TP.HCM khám mới biết cô mắc bệnh xương thủy tinh, không có thuốc chữa trị.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại chật và sát đường lớn nên bố mẹ đành gửi con gái nhỏ hay đau ốm cho người bạn thân ở An Giang chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Xuân (Trang thường gọi là dì Hai) sống một mình nên coi Trang như con, nâng niu cô từng chút một. Từ đó, Trang cũng ít bị gãy xương hơn.
Ở nhà, Trang tự di chuyển bằng chiếc ghế có bánh xe. Mỗi khi có việc cần ra ngoài, dì Hai sẽ giúp cô di chuyển bằng xe lăn.
Do hoàn cảnh và căn bệnh nan y, Trang không thể tới trường. Gia đình nhờ thầy giáo tới tận nhà dạy cô học đọc học viết. Hoàn thành bậc tiểu học, với Trang, là một quãng thời gian dài và gian nan.
Không cam chịu số phận, Trang tự đọc sách để khám phá thế giới xung quanh. “Em không thể ra ngoài nhiều, không được ngắm nhìn thế giới xung quanh nên muốn đọc thật nhiều. Đọc sách khiến em thấy như được sống nhiều cuộc đời hơn”, Trang tâm sự.
Thấu hiểu để yêu thương
Năm 2009, khi mới 10 tuổi, Trang đã cùng dì Hai bắt đầu hành trình đi xe máy vòng quanh các tỉnh miền Tây để làm từ thiện. 11 năm liền, hai dì cháu làm cầu nối, gắn kết tấm lòng thiện nguyện của các anh chị em bạn bè với những người cần giúp đỡ.
Trang hào hứng kể: "Tỉnh mà 2 dì cháu đi nhiều nhất là An Giang và Đồng Tháp. Em vô cùng hạnh phúc vì luôn may mắn có cơ hội mang niềm vui đến cho mọi người. Dù chỉ làm được việc nhỏ thôi, em cũng vui lắm".
Hàng tháng, Trang và dì Hai tới thăm những người mắc bệnh nan y, ung thư… Mùa hè, hai dì cháu lại cùng nhau tới các điểm vùng sâu vùng xa để trao quà cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trước khi bước vào năm học mới.
"Em lăn lộn ngoài đường theo đúng nghĩa đen luôn đó. Đường xá và phương tiện đi lại khó khăn, 2 dì cháu cùng nhau ngồi xe máy và bị ngã xe nhiều lần. Mỗi lần ngã, em lại bị chấn thương… Nhưng vì thấy niềm vui của mọi người mỗi khi nhận được quà nên em rất vui. Sự đồng cảm đó khiến em có động lực đi tiếp, không sợ tai nạn", 9X bộc bạch.
Trong suốt 11 năm, các khoản tiền ủng hộ những mảnh đời khó khăn đều do nhóm anh chị em chơi chung với Trang cùng nhau quyên góp, không kêu gọi bất cứ nguồn ủng hộ nào từ bên ngoài.
"Sau những lần đi làm từ thiện bị ngã gãy chân gãy tay, ba mẹ em la nhiều lắm và không cho đi. Nhưng em vẫn giấu, lén đi cùng dì. Đến khi ba mẹ quen không la nữa thì sức khỏe em lại đi xuống, không thể có những chuyến đi xa nữa", Trang buồn bã nói.
Năm 2018, trong chuyến đi Trà Vinh, không may Trang bị ngã gãy lìa tay, chấn thương ở chân. Lần đó Trang mất tới 6 tháng để hồi phục sức khỏe. Cũng từ đó, cô không thể ngồi xe máy lâu được. 9X đành phải ở nhà và nếu cần đi trao quà từ thiện, dì Hai sẽ đi một mình.
Hành trình khởi nghiệp biến giấy thành hoa
Những tác phẩm bằng giấy lung linh này được làm hoàn toàn thủ công từ đôi tay tài hoa của Thùy Trang và các bạn cùng cảnh ngộ
Để làm ra được những tác phẩm từ giấy đẹp mê hoặc lòng người ngay từ cái nhìn đầu tiên, Trang đã phải trải qua nhiều năm học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ.
Buồn vì không được cùng dì Xuân rong ruổi đi làm từ thiện, Trang dùng mạng xã hội để tìm niềm vui mới cho mình. Năm 2016, một lần tình cờ xem được clip hướng dẫn nghệ thuật gấp giấy Origami, Trang thấy rất thú vị. Cô cũng nhận thấy nếu làm hoa giấy có thể bán được, nên tìm đến các khóa học làm hoa từ giấy.
"Ngày mới học, em khá chơi vơi vì không biết đầu ra của mình như thế nào. Em cũng không quen ai, không biết học ở đâu thêm để phát triển tay nghề. Rất may, có một người quen tới chơi và nhìn thấy chậu hoa hồng của em đã rất thích và mua ủng hộ em với giá 50.000 đồng. Em rất vui vì thấy công sức của mình được ghi nhận nên quyết định chụp ảnh và bán thử lên mạng xã hội", Trang kể.
Công việc với giấy tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng với cô gái mắc bệnh xương thủy tinh lại không hề đơn giản. Tay Trang yếu nên cầm kéo, gấp giấy rất nhanh mỏi. "Nếu người thường 1 ngày làm được 4-5 bông hoa sen theo tỷ lệ 1:1 hay những bông thược dược hàng trăm cánh thì em mất cả ngày mới được 1 bông. Nhưng em cứ làm liên tục, đến khi mệt, mỏi tay quá sẽ nghỉ rồi lại làm tiếp. Hoa nào càng khó em càng thích làm".
"Em tuy không là người tài giỏi nhưng không phải là người dễ bỏ cuộc. Cái gì khó em sẽ làm tới khi nào được thì thôi, chính nhờ sự kiên trì đó mà em thấy được ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống của mình”, Trang nói.
Sau hơn 6 năm biết đến nghệ thuật làm hoa giấy, Trang có thể làm được gần 50 loại hoa khác nhau, từ sen, cúc, hồng, đồng tiền, xương rồng, dâu tây… Mỗi tác phẩm là một phiên bản riêng, không giống nhau.
Cô gái 25 tuổi ấy không đủ sức để làm một mình. Mỗi dịp lễ Tết có khách đặt hàng nhiều, Trang cần rất nhiều thời gian để hoàn thành. Đơn hàng "sỉ" đầu tiên của cô là hơn 200 chiếc thiệp thủ công nhân dịp 20/10, Trang đã phải mất vài tuần mới hoàn thiện.
Thùy Trang - cô gái truyền cảm hứng cho các bạn cùng cảnh ngộ
"Trên thị trường có rất nhiều người làm, giá tốt hơn sản phẩm của em. Nhưng mọi người vẫn chờ em làm, yêu thích độ tỉ mỉ ở các sản phẩm của em. Vì thế, em đều cố gắng làm tốt nhất có thể từng công đoạn để sản phẩm làm ra thật đẹp, thật phù hợp với tính chất handmade. Em hạnh phúc và biết ơn mọi người", Trang bày tỏ.
Thùy Trang giờ đây đã là bà chủ của cơ sở sản xuất hoa giấy Vườn nhà Mộc, với 2 nhân sự là Trang và dì Xuân. Chưa dừng ở đó, trong quá trình tham gia các hội nhóm của người khuyết tật trên mạng xã hội, Trang kết nối và truyền cảm hứng với 4 người bạn khác đến từ An Giang, TP.HCM và Bình Thuận để lập một gian hàng online mang tên "Nhỏ xíu handmade".
Gian hàng nhỏ của nhóm bạn cùng mắc bệnh xương thủy tinh ấy chuyên bán các đồ thủ công do cả nhóm tự tay làm ra. Chỉ sau gần 3 tháng ra mắt, các sản phẩm của 5 cô gái nhỏ nhắn, cao chưa tới 1m, nặng chưa quá 30kg đã được nhiều người đón nhận.
“Bản thân những người đang gặp khó khăn hay người khuyết tật nói chung đã có sẵn nghị lực và luôn mong muốn vươn lên trong cuộc sống. Các bạn hãy can đảm bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức với những cái mới. Có thể bạn không thành công ngay lần đầu tiên, nhưng hãy mạnh dạn làm đi. Bạn cứ đi từ từ, nếu sai lại sửa. Bạn cứ kiên trì, chắc chắn sẽ thành công”, Trang nói.
Ảnh: NVCC
Nữ kình ngư bật khóc kể về hành trình vượt khó, giành HCV trong căn nhà dựng tạm
Chàng trai một tay vượt lên số phận làm vlog truyền cảm hứng
Từ một chàng công chức trẻ với tương lai tươi sáng, Trần Ngọc Hoàng (Lào Cai) bỗng trở thành người khuyết tật và mất tất cả cùng với cánh tay phải của mình.