- Do trình độ của người dân còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, suốt 10 năm qua, cô giáo trẻ Phạm Thị Huyền Trang (Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang, Ngân Sơn, Bắc Kạn) phải đến tận nhà để vận động học sinh đến lớp.
Học sinh bỏ học để kết hôn
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, cô giáo Trang tình nguyện lên trường THCS Bằng Thành (Pác Nặm) - huyện xa nhất của tỉnh Bắc Kạn để nhận công tác. Năm đó, cô được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 6. Học sinh có đến 80% là người dân tộc Sán Chỉ, Mông, Dao, 20% là dân tộc Tày.
Cô giáo Trang trong giờ lên lớp |
Phong tục tập quán của con người nơi đây còn vô cùng lạc hậu. Bố mẹ không ham cho con đi học vì “cháo cơm chẳng no cái bụng, sao nghĩ đến chuyện vượt đường rừng đến trường”. Vì lẽ đó, khi con trai, con gái mới lên mười một, nhiều gia đình đã lấy vợ cho con để về giúp việc nhà, làm nương rẫy.
Cô giáo Trang kể, trong số những học trò của cô, có trường hợp em Triệu Tòn Diết bỗng nhiên nghỉ học không lý do. Khi cô giáo cùng các bạn học sinh trong lớp tìm đến tận nhà mới hay tin Diết phải bỏ học vì sắp lấy vợ.
“Tôi bỡ ngỡ vô cùng. Em mới chỉ 11 tuổi sao có thể làm chồng? Sau đó, tôi cùng các em học sinh trong lớp phải vận động, giải thích cho gia đình Diết hiểu và không bắt em lấy vợ khi chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn nữa.”
Tuy nhiên, nạn tảo hôn vùng cao vẫn còn tồn tại nhiều. Có những em bỏ ngang, cũng có những em xin nghỉ một thời gian nhưng sau không quay trở lại trường nữa. Cô Trang ngậm ngùi: “Các em vô cùng thiệt thòi. Chỉ mới ở độ tuổi là những cô cậu học sinh lớp 6, lớp 7 nhưng đã mang trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm chồng và là lao động chính đè nặng lên vai. Vì thế, trong những giờ sinh hoạt tập thể hay những buổi họp phụ huynh, tôi cùng các thầy cô giáo luôn tích cực tuyên truyền để học sinh, phụ huynh hiểu biết hơn về luật hôn nhân gia đình, nạn tảo hôn và quyền lợi của trẻ em. Sau nhiều nỗ lực, nạn tảo hôn trong nhà trường đã dần được đẩy lùi.”
Năm 2012, vì hoàn cảnh gia đình, cô Trang xin chuyển công tác về trường TH&THCS Nà Khoang (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Tại đây, cô được nhà trường phân công làm giáo viên giảng dạy môn âm nhạc kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội.
Là người sát sao với đời sống của học sinh, cô Trang luôn trăn trở trước những khó khăn học trò gặp phải. Đa số học sinh của cô là con em dân tộc vùng cao. Đường từ nhà đến trường khá xa. Để đảm bảo việc học tập, có những em phải đến trường từ lúc 5 giờ sáng. Chưa kể những hôm mưa lũ, các em phải đi qua kè, qua suối vô cùng nguy hiểm. Đến mùa đông lạnh buốt, để đi học, các em phải mang theo đèn pin rọi đường. Nhà nghèo không cái ăn, đường đến trường lại xa xôi, nhiều em cảm thấy nản. Những lúc như thế cô Trang phải nói chuyện cùng học trò để động viên và hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em.
Cô Trang tích cực tổ chức các hoạt động tập thể để thu hút học sinh tới trường |
“Đặc biệt là sau khi nghỉ Tết, các em mải đi chơi lễ hội không muốn đến trường khiến số lượng học sinh tới lớp giảm rõ rệt. Khi thấy các em có hiện tượng bỏ học, thầy cô cùng nhà trường phải vào cuộc, đến từng nhà vận động, phân tích cho gia đình và các em hiểu để tiếp tục đến trường” – Cô Huyền Trang kể.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phụ huynh không thông cảm, đánh con chứ nhất định không cho đi học. Khi đến vận động, cô Trang phải kết hợp với chính quyền và công an địa bàn mang pháp luật ra răn đe. Chỉ khi đó bố mẹ các em mới miễn cưỡng cho con đi học.
Cô Trang nhớ nhất về em học sinh tên Linh Thị Mai, nhà ở thôn Cốc Sả, nghỉ học 8 ngày liên tiếp không lý do. Cô phải cùng thầy hiệu trưởng và các bạn trong lớp đến tận nhà để vận động em đi học. Cô Trang đã bật khóc khi chứng kiến cảnh bố mẹ, anh trai bỏ Mai bị bệnh ở nhà một mình để đi ăn cưới xa.
“Khi thầy cô đưa em đến bệnh viện thì em òa khóc và nhất định không đi. Nhà nghèo, không có tiền đi viện nên bố Mai đã cõng em đến gặp thầy lang người Mông để khám bệnh. Do dân trí còn thấp, gia đình Mai tin lời thầy lang nói: “Sắp chết rồi, đưa về nhà có gì ăn thì ăn thôi”. Nhưng ở nhà em cũng chỉ có ngô và mèn mén. Khi đó, các thầy cô giáo và học sinh phải quyên góp tiền để đưa em lên bệnh viện tuyến trên khám chữa bệnh. May mắn em đã được tiến hành phẫu thuật kip thời và thoát khỏi bàn tay tử thần” – Cô Trang rơi nước mắt khi kể lại câu chuyện cũ.
Giải pháp kéo các em về trường
Với tinh thần trách nhiệm cùng lòng nhiệt huyết “tất cả vì đàn em thân yêu”, cô đã tích cực tổ chức hoạt động Đội, các buổi tuyên truyền ngoại khóa về phát luật, giao lưu văn nghệ hay tổ chức các trò chơi dân gian nhằm giúp các em được vui chơi, giữ nét hồn nhiên.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, chính cô Trang là người vận động, tuyên truyền tới các nhà hảo tâm và những tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh khó khăn để các em có động lực tới trường.
Năm học vừa qua, cô Trang đã tìm hiểu, giúp đỡ gia đình anh Lương Văn Thình - phụ huynh của hai học sinh là em Lương Thị Hoa lớp 6 và Lương Văn Hồng lớp 5 làm hồ sơ “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” trị giá 60 triệu do Tỉnh đoàn tài trợ từ nguồn kinh phí chương trình mua vé Xổ số. Do bố mẹ hai em là người di cư di canh, không có hộ khẩu hay chứng minh, cô Trang và nhà trường phải vận động đến UBND Thị trấn, huyện đoàn huyện Ngân Sơn, UBND huyện để giúp đỡ cho hộ gia đình chuyển hộ khẩu, làm hồ sơ mua đất, san nền và giúp em xây được ngôi nhà hiện nay đã đi vào sử dụng.
Trong suốt 10 năm qua, cô giáo Phạm Thị Huyền Trang không nhớ hết đôi chân mình đã băng qua bao nhiêu đèo, lội qua bao nhiêu suối, đến nhà bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp.
Khi được hỏi về mong ước của mình, cô chỉ khát khao năm học tới sẽ có một ngôi nhà bán trú dành cho các em học sinh trường TH&THCS Nà Khoang, để ước mơ được đến trường.
Thuý Nga