Tiềm năng thị trường Hà Lan

Kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm da thuộc và túi xách xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0%. EVFTA đang đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại cũng như giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất giày dép xuất khẩu sang các nước EU, trong đó có Hà Lan.

Ông Dirk Vinken, Giám đốc FGHS cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng phong trào thể thao ở Hà Lan vẫn diễn ra, do người dân nước này nhận thức rõ được sự quan trọng của sức khỏe. Do đó, Hà Lan được xem là thị trường tiềm năng cho sản phẩm thể thao của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hà Lan bày tỏ mối quan tâm sâu tới các mặt hàng thể thao xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Hà Lan nhiều sản phẩm dùng trong lĩnh vực thể thao như: quần áo, giầy dép, dụng cụ thể thao… Theo Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài, việc triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại Việt Nam-Hà Lan nói chung và sản phẩm thời trang nói riêng được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

 Trong giai đoạn 2017 - 2020 và quý I/2021, nhập khẩu hàng hóa của Hà Lan từ Việt Nam liên tục được cải thiện và tăng trưởng khả quan kể từ sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan không ngừng được cải thiện, từ mức 0,94% trong năm 2017, lên 131% trong năm 2020.

Quý I/2021, nhập khẩu hàng hóa của Hà Lan từ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục cải thiện. Đặc biệt, với những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, tỷ trọng nhiều mặt hàng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan đã cải thiện đáng kể như giày dép các loại; đồ nội thất các loại… Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nhập khẩu của Hà Lan.

Với những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, kỳ vọng tỷ trọng hàng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng do đây không phải là nhóm ngành công nghiệp Hà Lan phát triển mạnh.

{keywords}
Hàng Việt cơ hội vào thị trường Hà Lan 

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại

Trong kế hoạch, Thương vụ đang có nhiều kế hoạch phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại cũng như các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng… tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ EVFTA để thâm nhập và phát triển hiệu quả thị trường Hà Lan nói riêng và EU nói chung cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới, ông Iwan Rutjens, Bí thư thứ nhất-Phòng Kinh tế, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam hy vọng doanh nghiệp Hà Lan có mặt tại Việt Nam sẽ thúc đẩy khả năng tiếp cận tốt hơn cho các công ty Việt Nam với thị trường Hà Lan.

Hơn nữa, bằng cách trao đổi những kinh nghiệm, chuyên môn, đổi mới công nghệ với Hà Lan, Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển hơn nữa, đa dạng hóa nền kinh tế đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mang lại lợi thế phát triển cho cả Việt Nam và Hà Lan.

Để xuất khẩu sang thị trường này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ để có thể nhanh chóng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác để có thể thụ hưởng lợi ích mà EVFTA mang lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn phù hợp với những thay đổi của thị trường; có kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh, chấp nhận cạnh tranh cả ở trong nước và thị trường nước ngoài; chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu…

Huy Linh