Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận hàng trăm vụ tai nạn đường sắt, khiến hàng chục người thương vong mà nguyên nhân chính là do nhiều người điều khiển phương tiện bất cẩn, vẫn cố tình băng qua đường ngang bất chấp nguy hiểm.

Trên những nút giao giữa đường bộ với đường sắt, không khó có thể bắt gặp cảnh xe đạp, xe máy, thậm chí cả ô tô băng qua khi đèn cảnh báo đã bật, barie đã hạ xuống.

(Vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe đầu kéo chở sắt trên QL1, đoạn qua huyện Thường Tín, Hà Nội hồi đầu năm 2023)

Những pha "cố đấm ăn xôi" như vậy có thể sẽ khiến hoạt động đường sắt bị gián đoạn, nặng hơn, những vụ va chạm giữa tàu hoả với các phương tiện khác sẽ gây thiệt hại nặng về người và của. Không những vậy, hành vi trên còn có thể bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Khoản 6, Điều 9 Luật Đường sắt năm 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt: “Vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh”.

Tại Điều 25 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về quy tắc giao thông “Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt”:

1. Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.

2. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

3. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

4. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

5. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

6. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

Dù đã có tín hiệu dừng xe và gác chắn được đóng lại nhưng không ít phương tiện vẫn cố băng qua để tiết kiệm thời gian. (Ảnh minh hoạ)

Hành vi "Cố tình vượt qua barie khi đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, khi đi qua đường ngang", sẽ bị phạt nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Mức phạt với các phương tiện vi phạm cụ thể như sau:
- Ô tô và các loại xe tương tự ô tô: Từ 3-5 triệu đồng; tước GPLX 1-3 tháng;
- Xe máy kéo, xe chuyên dùng: Từ 1-2 triệu đồng;
- Mô tô, xe máy: Từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng;
- Xe đạp: Từ 100-200 nghìn đồng;
- Người đi bộ: Từ 60-100 nghìn đồng.

Ngoài ra, Điều 47 Nghị định 100 cũng quy định, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm một trong các hành vi sau đây:

- Điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ làm hỏng cần chắn, giàn chắn, các thiết bị khác tại đường ngang, cầu chung;

- Điều khiển xe bánh xích, xe lu bánh sắt, các phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ giới hạn đi qua đường ngang mà không thông báo cho tổ chức quản lý đường ngang, không thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn.

Đồng thời, người vi phạm còn phải có nghĩa vụ đền bù thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra, thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một số lời khuyên khi lái xe băng qua đường ngang đường sắt

Tàu hỏa là phương tiện ưu tiên, chính vì vậy, khi có tín hiệu tàu sắp đến, hãy tuyệt đối chấp hành hiệu lệnh của nhân viên đường sắt và đèn, còi tín hiệu.

Giảm tốc độ và dừng xe an toàn đúng vạch, đúng làn đường theo quy định, đợi tàu đi qua hẳn mới đi tiếp.

Ô tô, khi dừng chờ tàu hoả đi qua ở những vị trí dốc, cần về mo (hoặc D, N) kéo phanh tay để đảm bảo xe không bị trôi.

Với những đường ngang không có barie, tài xế vẫn cần quan sát kỹ xung quanh trước khi đến các nút giao. Khi đảm bảo không có tàu đi đến cũng như cản trở bởi các chướng ngại vật khác mới cho xe chạy qua.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về hành vi trên, hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Bài viết, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!