Còn “khoảng trống” trong thực tiễn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã hoàn thiện chuyên đề “Những vấn đề chung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, hiện nay, pháp luật đã có quy định về việc phổ biến, thông tin chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chẳng hạn, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật, tính công khai, dân chủ trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, việc lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là yêu cầu bắt buộc.
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân, trong đó xác định những thông tin phải được công khai rộng rãi bao gồm cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách vẫn chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, chủ yếu chỉ thực hiện phổ biến đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
“Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành. Một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế. Thậm chí có văn bản quy phạm pháp luật do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt từ khâu soạn thảo, nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội”, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nhận định.
6 yêu cầu đối với hoạt động truyền thông dự thảo chính sách
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã chỉ rõ 6 yêu cầu đối với hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.
Một là tính khách quan, khoa học, chính xác. Thông tin về dự thảo chính sách cần được cung cấp, trao đổi dựa trên nguồn đáng tin cậy, chính xác. Bên cạnh đó, để tránh những vấn đề tiêu cực, phiến diện, thậm chí lợi dụng để xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cần dự liệu, chuẩn bị các phương án giải trình, hướng dẫn, vận động hay thuyết phục thông qua các kênh truyền thông chính sách.
Hai là đảm bảo tính hệ thống, đầy đủ. Tài liệu truyền thông dự thảo chính sách không chỉ gồm nội dung, tinh thần cơ bản của chính sách hay dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, mà còn có cả các dự báo tác động của chính sách đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thi hành chính sách trong cuộc sống và quá trình tổ chức, xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là bảo đảm tính tương tác, hai chiều. Truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội không phải là vận động để cộng đồng, xã hội nghe theo, thuận theo ý kiến chủ quan của các chủ thể chính sách, mà để thực hiện phản biện xã hội, lắng nghe các ý kiến góp ý, chất vấn để kịp thời điều chỉnh chính sách. Chính vì vậy, các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách cần mang tính đối thoại, tương tác hai chiều nhằm hướng tới các giá trị tốt đẹp và cải thiện chất lượng chính sách vì phát triển xã hội.
Bốn là có tính kịp thời và cẩn trọng. Truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, các bước tiến hành truyền thông cần thực hiện kịp thời trong quá trình tổ chức lấy ý kiến góp ý hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành, thông qua. Truyền thông dự thảo chính sách cũng cần tính tới yếu tố cẩn trọng, nhất là khi đưa tin lên mạng xã hội.
Năm là phát huy vai trò của hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội. Truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội là một cách tiếp cận mới đối với quá trình xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần phát huy sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề về pháp luật, các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, phóng viên, biên tập viên tham gia thực hiện thông tin, phổ biến và phản biện, góp ý chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Sáu là đa dạng hóa hình thức, cách thức truyền thông, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện nay, truyền thông dự thảo chính sách thường gắn với nền tảng, công nghệ số. Mục tiêu phủ sóng kết nối Internet, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin công cộng, đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ với Chính phủ số là điều kiện tiên quyết, hỗ trợ để người dân được tiếp cận thông tin và thực hiện quyền được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.