Trong phiên xử quan trọng tại Tòa Tối cao British Columbia ngày 27/5, bà Mạnh Vãn Chu, 48 tuổi, đã không được trả tự do sau khi Thẩm phán Heather Holmes tuyên bố các cáo buộc về hành vi "lừa gạt ngân hàng" chống lại nữ bị cáo thỏa mãn điều kiện "double criminality" (tội kép) về dẫn độ, nghĩa là các cáo buộc mà Mỹ đưa ra đối với bà cũng là tội ở Canada.

{keywords}
Bà Mạnh Vãn Chu trên đường đến tòa án ở Vancouver ngày 27/5. (Ảnh: Reuters)

Mỹ muốn bà Mạnh Vãn Chu phải ra hầu tòa vì các tội danh liên quan vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran, theo đó bà đã lừa dối ngân hàng HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ Huawei tại nước Cộng hòa Hồi giáo.

Nhóm luật sư bảo vệ Mạnh Vãn Chu lập luận rằng, hành vi phạm tội mà Mỹ quy cho thân chủ của họ là không vi phạm luật pháp Canada, vì nước này đã dỡ bỏ trừng phạt Iran nhiều năm trước. Tuy nhiên, phía công tố lập luận ngược lại, khẳng định các cáo buộc kể trên đối với bà Mạnh cũng chính là lý do để bắt giữ người phụ nữ này và nó thỏa mãn điều kiện "tội kép" cho dẫn độ.

Sau phán quyết của Thẩm phán Heather Holmes, Bộ Tư pháp Canada ra tuyên bố ca ngợi "sự độc lập của quá trình dẫn độ tại Canada". Trong khi đó, phát ngôn viên Benjamin Howes của Huawei cho biết tập đoàn này thấy "thất vọng".

Phía các luật sư của bà Mạnh thông báo sẽ tiếp tục đấu tranh với các luận cứ mới để thân chủ của họ được tự do. BBC dẫn lời luật sư Richard Peck tranh luận tại tòa rằng Canada đang thực sự bị yêu cầu "thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ".

Diễn biến mới kể trên được cho là có thể khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội. Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa cùng ngày 27/5 đã ra thông cáo kêu gọi Canada trả tự do cho bà Mạnh.

Dự kiến phiên tòa xem xét dẫn độ Mạnh Vãn Chu sang Mỹ sẽ được mở lại trong tháng 6. Tiến trình tranh tụng và xét xử có thể kéo dài nhiều năm, trong trường hợp có kháng cáo thì thời gian còn lâu thêm nữa.

Theo các nhà phân tích, dù Mạnh Vãn Chu được tự do hay không thì Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đối đầu về một loạt vấn đề như thương mại song phương, dự luật an ninh Hong Kong ... Và Huawei tiếp tục nằm ở tâm điểm của những căng thẳng này.

Theo BBC, Washington đã và đang vận động các đồng minh, trong đó có Anh, không sử dụng các dịch vụ công nghệ 5G của Huawei trong hạ tầng viễn thông then chốt, cho rằng đó có thể là mối đe dọa về an ninh.

Thanh Nga