Công nghệ mở giúp tạo niềm tin trên không gian số

Công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành nền tảng của kinh tế - xã hội. Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. 

Niềm tin sẽ số trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng.

{keywords}
Việt Nam tới đây sẽ triển khai mạng 5G bằng các thiết bị Make in Vietnam sử dụng công nghệ mở. Ảnh: Trọng Đạt

Công nghệ mở (Open Technology) là một khái niệm đã có từ gần 20 năm trước. Sự ra đời của công nghệ mở là hệ quả của sự mở rộng và bùng nổ phong trào phần mềm nguồn mở trong thập niên đầu của thế kỷ 21. 

Tùy theo từng ngành, từng lĩnh vực, công nghệ mở có nhiều định nghĩa khác nhau. Nói một cách đơn giản, công nghệ mở là một khái niệm bao chùm cho các định nghĩa về tiêu chuẩn mở (Open Standard), nguồn mở (Open Source Software) và dữ liệu mở (Open Data). 

Công nghệ mở được phát triển dựa trên tiêu chuẩn mở và mã nguồn mở. Trong đó, tiêu chuẩn mở là một thông số kỹ thuật được công bố rộng rãi, để bất kỳ ai muốn đều có thể lấy và sử dụng nhằm triển khai các công nghệ có liên quan. 

Phần mềm được gọi là mở nếu mã nguồn của nó được cung cấp cho tất cả mọi người quyền nghiên cứu, thay đổi hoặc cải tiến. Điểm chung của các công nghệ mở là chính sách quản trị của nó cho phép người dùng có thể truy cập nền tảng hoặc hệ thống với rất ít ràng buộc và hạn chế. 

{keywords}
Công nghệ mở sẽ giúp tạo ra niềm tin số.

Khác với phần mềm đóng, do dễ tiếp cận, việc sử dụng công nghệ mở giúp giảm chi phí và cho phép nhiều người có thể sử dụng hơn. Các công nghệ mở cũng có xu hướng tương thích với nhau tốt hơn các công nghệ độc quyền. Do đó, việc phát triển các công nghệ mở giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các công cụ và nền tảng. 

Người sử dụng công nghệ mở sẽ hoàn toàn được độc lập và không bị bó buộc vào một nhà cung cấp công nghệ. Họ cũng có thể tự do lựa chọn các đơn vị hỗ trợ theo ý mình. 

Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ mở sẽ giúp giảm thiểu rủi ro về bảo mật và sự lỗi thời của nền tảng. Chính vì những lý do này mà chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn sử dụng công nghệ nguồn mở để phát triển các hạ tầng quốc gia trọng yếu. 

Phát triển công nghệ mở là xu hướng thời đại 

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - CLB Mã nguồn mở Việt Nam, từ lâu nay, công nghệ mở đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới. 

Các công nghệ nền tảng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 chủ yếu là các công nghệ mở. Đó là những công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). 

Dữ liệu mở cũng đang là xu hướng lên ngôi trong ngành giáo dục. Đó là khi các kho học liệu hay các nguồn tài nguyên giáo dục đều trở thành các kho học liệu mở (Massive open online course - MOOC) và tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER). 

{keywords}
Dự án IOTI4.0 (Integral Open Technology for Industry 4.0) của Châu Âu đang được triển khai với tham vọng ứng dụng phần cứng mã nguồn mở (OSHW) trong lĩnh vực công nghiệp. 

Nhiều cột mốc lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghệ mở cũng đã diễn ra liên tục trong suốt 20 năm qua. Tại Hoa Kỳ, Viện Công nghệ mở (Open Technology Institute - OTI) được thành lập từ năm 1999. Nhờ sự ra đời của cơ quan này, công nghệ mở đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. 

Tại Châu Âu, dự án IOTI4.0 (Integral Open Technology for Industry 4.0) của Ủy ban Châu Âu đã ra đời từ năm 2016. Đây là dự án có tính sáng tạo cao nhằm ứng dụng phần cứng mã nguồn mở (OSHW) trong lĩnh vực công nghiệp. 

Công nghệ phần cứng mã nguồn mở được tiêu chuẩn hóa theo mô hình công nghiệp 4.0 để giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận việc số hóa. Không chỉ vậy, nhiều sự kiện thường niên về công nghệ mở như OpenExpo Europe, OPEN!NEXT, OpenTechSummit Europe,... cũng liên tục được tổ chức. 

Với một ví dụ gần hơn là tại các quốc gia Châu Á, Tổ chức FOSSASIA cũng đã được thành lập từ năm 2009 bởi 2 nhà sáng lập, trong đó có 1 người Việt Nam. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các nhà phát triển và các nhà hoạch định về công nghệ phần mềm mã nguồn mở. Ngoài ra, sự kiện Diễn đàn Công nghệ mở (OpenTech Summit) cũng được tổ chức hàng năm tại Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á. 

{keywords}
Sự phát triển của cộng đồng GitHub là minh chứng rõ ràng nhất cho xu hướng sử dụng công nghệ mở. 

Còn một ví dụ quan trọng khác để nói về xu hướng sử dụng nguồn mở. Cách đây hơn chục năm, Microsoft là công ty đối nghịch với các sản phẩm nguồn mở. Thế nhưng, cùng với thời gian, quan điểm của công ty phần mềm đóng này cũng phải thay đổi. Bằng chứng là Microsoft đã bỏ tới 7,4 tỷ USD để mua lại GitHub - diễn đàn mã nguồn mở lớn nhất thế giới vào năm 2018. 

Với Google, gã khổng lồ này là đơn vị tích cực nhất trong việc phát triển các công nghệ mở. Google đã công bố 2.000 dự án nguồn mở và khẳng định muốn giúp các dự án này và cộng đồng nguồn mở ngày một phát triển bền vững hơn. 

Không nằm ngoài cuộc chơi, mạng xã hội Facebook của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng đã cho công bố 125 dự án nguồn mở trên GitHub và có tổng cộng 168 nhân sự liên quan tới các dự án nguồn mở. 

Những ví dụ trên rõ ràng đã cho thấy, công nghệ mở đang ngày một phổ biến. Nhờ khả năng tạo ra niềm tin số, công nghệ mở sẽ liên tục phát triển và trở thành một xu hướng công nghệ không thể đảo ngược. 

Trọng Đạt