Tập đoàn Ansteel, một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn và lâu đời nhất Trung Quốc tại tỉnh Liêu Ninh, đã chuyển đổi tự động hoá với phần lớn quy trình sản xuất từ phân phối, vận chuyển đến lưu trữ. Ngày nay, hầu như không có bóng dáng công nhân xuất hiện tại xưởng sản xuất của tập đoàn này.

Kế hoạch “sản xuất kỹ thuật số” ưu tiên công nghệ và thiết bị tiên tiến, là sự kết hợp kết nối các thiết bị, máy móc và con người. Những cải tiến không chỉ ở nhà máy sản xuất mà còn ở các lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển.

Yan Ling, Phó Giám đốc cơ sở nghiên cứu thép ở nước ngoài của Tập đoàn Ansteel cho biết, họ phải mất 5 năm để thiết lập một hệ thống nghiên cứu và phát triển phù hợp với tất cả các khâu trong quy trình sản xuất thép.

ca5768c8beec41c2b4b4ccb727d43e40.jpeg
Ansteel Group là một trong những tập đoàn sản xuất thép lâu đời và lớn nhất Trung Quốc, có trụ sở chính tại tỉnh Liêu Ninh.

"Bằng nền tảng mới, các quy trình như thử nghiệm luyện kim, thiết kế vật liệu, đánh giá và thiết lập tiêu chuẩn đều được kết nối thông suốt với nhau", Yan Ling nói.

Bên cạnh các nhà máy sản xuất, tập đoàn cũng thay đổi khung tiêu chuẩn tại các công ty con để giảm rủi ro bị kiện hoặc xử phạt vì không tuân thủ pháp luật và các quy định tại địa phương.

Zhang Zhengle, Phó Giám đốc bộ phận tuân thủ của Ansteel cho biết: "Hệ thống mới duy trì nguyên tắc xây dựng một nền tảng thống nhất, chia sẻ một cơ sở dữ liệu và tuân thủ các tiêu chuẩn giống nhau. Các đánh giá từ hệ thống đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong việc ra quyết định".

Tiến trình số hóa ngành thép của Trung Quốc đang được triển khai đồng loạt ở cấp độ địa phương và trong các doanh nghiệp. Theo Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đến năm 2025, với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, năng lực đổi mới của ngành gang thép sẽ được nâng cao đáng kể, đáp ứng tỷ lệ kiểm soát số lượng của các quy trình chính và tỷ lệ số hóa thiết bị sản xuất lần lượt đạt 1,5%, 80% và 55%, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh của nước này.

Mục tiêu khả thi 

Sau những tiến bộ đột phá về công nghệ và tích lũy thặng dư trong nền kinh tế, quá trình chuyển đổi số ở Trung Quốc dưới thời kỳ Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuyển hướng, tập trung nhiều hơn vào bảo vệ môi trường với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính một cách nghiêm ngặt.

Nhóm ngành sản xuất gang thép có vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Theo một thống kê được công bố trên The Guardian vào năm 2017, trong giai đoạn 1988-2015, 100 tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới đã chiếm tới 71% tổng lượng khí nhà kính trong khí quyển.

Trong đó, Trung Quốc đứng đầu về lượng phát thải trong danh sách này với chỉ 5 tập đoàn, nhưng đã chiếm tới gần 17% tổng lượng phát thải với tổ hợp ngành công nghiệp than chiếm tới 14,32%.

Còn theo thống kê đến tháng 10/2023 từ Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, so với cùng kỳ năm trước, tổng lượng phát thải từ ngành thép đã tăng 6,65% trong khi tổng sản lượng thép sản xuất được chỉ tăng 1,7% đạt 795,07 triệu tấn.

Trung Quốc đặt kỳ vọng đạt mục tiêu về đạt đỉnh khí thải CO2 vào năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại lượng phát thải của Trung Quốc có thể vẫn tăng đáng kể trong thập kỷ này do hiện trạng tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng phát thải lớn tại nước này nhằm giải quyết lo ngại về an ninh năng lượng và ổn định kinh tế.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Khí sạch (CREA), lượng khí thải CO2 càng cao thì Trung Quốc sẽ càng khó đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết bài toán mà Bắc Kinh đang đối mặt.

(Theo GMK, CGTN)