Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, đang làm rõ việc Công ty TCL (đóng ở quận 5, TP.HCM) được cho là đã sử dụng bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để trang trí văn phòng.
Đầu tháng 6 vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM đã họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội và phòng chống dịch trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tấn Kiệt, Trưởng Phòng Nghệ thuật - Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đã trả lời phóng viên liên quan việc xử lý Công ty TCL sử dụng bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để trang trí văn phòng.
Theo ông Kiệt, sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh vụ việc nói trên, các lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra hiện trường. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã tháo gỡ tấm bản đồ trên.
Ông Kiệt khẳng định, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp làm rõ vụ việc và sẽ thông tin kết quả xử lý đến các cơ quan báo chí.
Trước đó, ngày 25/5, trên mạng xã hội lan truyền thông tin văn phòng của hãng điện tử TCL Electronics chi nhánh Việt Nam (quận 5, TP.HCM) sử dụng bản đồ không đúng chủ quyền biển đảo để trang trí nơi làm việc.
Từ thế kỷ XVI các triều đại phong kiến Việt Nam đã khai phá và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cử người ra hai quần đảo này khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông.
Một trong những tài liệu vào loại sớm nhất nói về Hoàng Sa là bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn vào năm 1686. Ngoài ra, có rất nhiều loại bản đồ khác cũng đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam.
Hiện nay, vị trí hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện rõ trên tất cả các tấm bản đồ địa lý của nước Việt Nam.