Những năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh. Hiện Việt Nam có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp khoảng 680.000 xe/năm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT ngành ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với các quốc gia trong khu vực.

Ước tính, một chiếc ô tô có đến 30.000 linh kiện, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất được không quá chục loại.

Theo dự báo đến năm 2025, thị trường ôtô Việt Nam sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm.

Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp phát triển CNHT và ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội này thì CNHT ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ.

{keywords}
Công đoạn kiểm tra xe tại Toyota Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Tuy nhiên, miếng bánh hấp dẫn này lại có sự cạnh tranh khốc liệt và không dễ tiếp cận. Khi các hãng xe tại Việt Nam đa phần vẫn là nhập khẩu linh kiện phụ tùng từ chính hãng và các nhà cung cấp tại nước ngoài trong mạng lưới của chính hãng chỉ định. Số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lọt được vào chuỗi sản xuất của các hãng xe tại Việt Nam cực kỳ khiêm tốn.

Khó khăn thách thức lớn là yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô vượt quá khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp cung ứng linh kiện phụ tùng trong nước, yêu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe, không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường và điều kiện lao động.

Ông Nguyễn Tiến Trung - Đại diện Mitsubishi Motors Việt Nambày tỏ: “Mong muốn của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam là mình sẽ có một ngành công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển để có thể hỗ trợ cho các nhà máy lắp ráp ô tô những phụ tùng thiết bị nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm cũng như là tiết kiệm tối đa chi phí lắp ráp để có thể cạnh tranh được các nước trong khu vực Đông Nam Á.”

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó thì cũng đưa ra rất nhiều giải pháp, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành về xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Năm 2015, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 111 quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó cũng đã đưa ra các cơ chế hỗ trợ ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung trong đó có công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô.

Tại Phụ lục về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được ban hành tiếp theo Nghị định 111, thì cũng đã có các linh kiện trong ngành ô tô và những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm đó thì sẽ được hưởng ưu đãi về thuế TNDN, thuế VAT, các ưu đãi về tiền thuê đất

Ông Jang Huyn Gu – Phó Chủ tịch Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (HTC) chia sẻ, 
“Thị trường ô tô tại Việt Nam phát triển tạo lực cầu nội địa ổn định cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Các giải pháp đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cần hướng vào việc đáp ứng các nhu cầu nội địa của các công ty lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Công ty chúng tôi có nhiều hợp tác mở rộng để làm sao tăng nhanh tốc độ nội địa hóa các phụ tùng sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã có nhiều cuộc thăm quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác đối với các nhà sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam.”

Gần đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Toyota Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô… Cú bắt tay này được coi là cú hích lớn để thúc ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Theo dự kiến, dự án này sẽ được triển khai từ năm 2021 đến 2022. Đây là năm thứ hai Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Qua đó, Toyota Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hỗ trợ các nhà cung cấp Việt cũng như cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và ngành CNHT Việt Nam.

{keywords}
Công đoạn dập vỏ xe của Toyota Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Ông Hiroyuki Ueda - Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam nhận định: Lợi thế của ngành CNHT Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta gặp khó khăn để phát triển do sản lượng nhỏ; công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về mặt kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất. Do đó, chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn nhiều (gấp 2-3 lần) so với các nước trong khu vực.

Dự kiến, Cục Công nghiệp sẽ sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất tiềm năng về phụ tùng, linh kiện để kết nối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, tổ chức các buổi làm việc và thăm thực tế nhà cung cấp nội địa; tìm kiếm hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3; hỗ trợ đào tạo...

Để thực hiện, Toyota sẽ cung cấp các tiêu chí cơ bản làm căn cứ cho Bộ Công Thương sàng lọc dữ liệu doanh nghiệp phù hợp, sau đó đánh giá sơ bộ nhà cung cấp, hỗ trợ làm việc, hậu cần, chuyên gia tư vấn. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý, cung cấp tư vấn viên, danh sách nhà cung cấp tiềm năng, hỗ trợ đào tạo…

Ông Hiroyuki Ueda nhấn mạnh: Thông qua các hoạt động của dự án như tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các nhà cung cấp tiềm năng, và hỗ trợ, cùng làm việc với họ để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cho các nhà cung cấp...

Toyota Việt Nam hy vọng sẽ góp phần xây dựng hệ thống các nhà cung cấp, đóng góp vào sự phát triển của CNHT ô tô Việt Nam.

Năm 2020, Nhà máy Nhựa Hà Nội, sau một năm được Toyota hỗ trợ, đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ đồng qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%. Tương tự, với LeGroup, với sự hỗ trợ của Toyota trong sản xuất đã giúp thời gian chuyển đổi khuôn giảm từ 30 phút xuống còn 10 phút, tăng hiệu suất lao động từ 80% tới 93%, cắt giảm được 8 máy dập, đồng thời tiết kiệm được khoảng 500 m2 diện tích nhà xưởng…

Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp.

Có khoảng 2000 doanh nghiệp đủ cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng.

Thanh Thúy