Nép mình trên vỉa hè đường Lâm Văn Bền (Quận 7, TPHCM), ông Quang đã bán sách cũ gần 30 năm qua. Từng là một người có gia đình êm ấm ở Đồng Nai, sau nhiều biến cố, ông Quang trở thành một người đàn ông cô độc, không nhà cửa, tiền bạc, ngày ngày lủi thủi bán sách nuôi thân.
Không cửa hàng, không bảng hiệu, sạp sách của ông Quang được dựng "dã chiến" trên vỉa hè. Chiếc xe đẩy cũ kỹ đặt sát hàng rào cạnh trường học được ông ví von là "kho sách". Nơi đây chứa đựng toàn bộ số sách quý giá của ông.
"Lựa sách đi chú ơi!", ông Quang vừa nói, vừa gỡ tấm bạt trên xe khi thấy khách ghé xem. Hầu hết, khách hàng của ông đều tỏ ra bất ngờ trước sự đa dạng của các loại sách. Xe sách tuy cũ kỹ nhưng có đủ thể loại từ ngoại văn, khoa học, truyện cổ tích đến tiểu thuyết... thậm chí cả giáo trình, sách giáo khoa và tạp chí.
Đặc biệt, tất cả số sách đều là món quà từ người dân Sài Gòn dành cho ông. Ông Quang cảm kích nói: "Trước đây, tôi thường mua sách cũ từ những người bán ve chai. Hiện tại, do sức khỏe suy giảm, tôi không còn đi tìm mua nữa. Thay vào đó, mọi người thường mang sách báo, tạp chí cũ đến tặng tôi".
Mỗi ngày, ông Quang bán từ 6h đến 11h, trưa tìm bóng mát ở các công viên để ngả lưng. Sau mỗi buổi bán hàng, ông cẩn thận xếp gọn từng cuốn vào xe, phủ kín bạt rồi khoá xe cẩn thận bảo vệ chúng khỏi mưa gió. Đối với ông, sách không chỉ là vật vô tri mà còn chứa đựng giá trị to lớn, nuôi dưỡng trí tuệ, đồng thời giúp người đọc sống chậm lại, chiêm nghiệm những triết lý cuộc đời.
Năm 2005, ông Quang bắt đầu gắn bó với nghề bán sách cũ. Trải qua gần hai thập kỷ, ông đã chứng kiến nhiều biến chuyển trong văn hóa đọc và thị hiếu của độc giả. "Thời kỳ đầu, khi công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ, rất nhiều người tìm đến quầy sách của tôi. Tuy nhiên, có giai đoạn, lượng khách giảm đáng kể vì đa số chuyển sang đọc sách trên các nền tảng trực tuyến", ông Quang hồi tưởng.
Ông Quang chia sẻ thêm: "Mỗi khi thấy bạn trẻ ghé mua sách, tôi rất phấn khởi. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều người trân trọng giá trị của sách cũ". Khi có người ghé xem sách, ông luôn hào hứng giới thiệu và cho khách thoải mái đổi cuốn này lấy cuốn khác với giá rẻ, thậm chí tặng thêm sách cho người mua nhiều... “Tôi mắt mũi kèm nhèm đâu có đọc bìa hay định giá đúng, nhưng khách cũng chẳng bao giờ ăn gian ông già, trả bao nhiêu thì tôi lấy bấy nhiêu”, ông Quang thật thà tâm sự.
Mùa mưa, khách đến mua sách vắng hơn, mỗi ngày ông Quang kiếm được khoảng 20.000 - 50.000 đồng, nhưng cũng có lúc đành dọn hàng "tay không". Đêm đến, những góc vỉa hè quanh khu vực này trở thành nơi trú ngụ của ông. Xe sách được gửi nhờ bên đường, chỉ che bạt sơ sài nhưng chưa bao giờ bị mất cắp.
Thời gian gần đây, hình ảnh ông Quang bán sách lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của cộng đồng. Cũng nhờ vậy, ông chủ sạp sách "dã chiến" cảm thấy vui hơn vì lượng khách tăng đáng kể, có ngày lên đến chục người. Nhiều người còn mang nước uống, bánh sữa và cả sách cũ đến tặng ông.
Ở tuổi 90, tài sản giá trị nhất với ông Quang là xe sách cũ. Ước mơ duy nhất của người đàn ông này là khi nhắm mắt xuôi tay, sẽ có nơi nằm xuống, có người lo liệu hậu sự. Ông cũng mong có người thay ông trao tặng toàn bộ số sách cũ cho thư viện ở các trường học khó khăn, tạo điều kiện cho các độc giả trẻ được đọc sách, tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức bổ ích.
"Dù ở tuổi xế chiều, tôi vẫn thấy mình may mắn khi đủ sức khỏe và minh mẫn để bán sách, tự nuôi sống bản thân... Trải qua mưa nắng, khắc khổ, nhưng ít ra, tôi vẫn được đùm bọc bởi tình thương của người Sài Gòn", ông Quang bày tỏ.
Câu chuyện của ông Quang là một minh chứng cho tình người ấm áp giữa lòng thành phố hiện đại. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, vẫn luôn có những tấm lòng nhân ái sẵn sàng đùm bọc, che chở. Và ở góc phố nhỏ, một ông già vẫn miệt mài với công việc bán sách, giữ gìn văn hóa đọc giữa thời đại công nghệ số.
Hiện tại, những người bán sách cũ như ông Quang dần thưa thớt, có người bỏ nghề vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Cũng có người ở lại với nghề bằng mọi giá, xem sách cũ là cả "gia tài" của đời mình.
Bài, ảnh, video: Phước Sáng