Cú tụt giảm 800 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 với chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 800 điểm (tương đương giảm 2,8%) và đánh mất mốc 29.000 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 3,5% còn 3.455,06 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite sụt 5%, xuống 11.458,10 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu công nghệ chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc như: Appple mất 8%; Facebook, Amazon, Netflix mất trên dưới 4%. Cổ phiếu Microsoft của tỷ phú Bill Gates tụt giảm 6,2%, trong khi công ty mẹ Alphabet của Google mất 5,1%...
Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm sau chuỗi 10 phiên leo dốc liên tiếp và lập nhiều kỷ lục cao mới. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều có mức tăng 50-70% kể từ tuần cuối tháng 3.
Trước đó, nhiều tập đoàn công nghệ của Mỹ ghi nhận vốn hóa tăng dữ dội thêm cả nghìn tỷ USD trong một khoảng thời gian ngắn. Apple ghi nhận vốn hóa vượt ngưỡng 2.200 tỷ USD, trong khi Microsoft cũng đạt mức 1.700 tỷ USD. Alphabet xếp sau với 1.640 tỷ USD còn Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos có vốn hóa 1.570 tỷ USD.
Chứng khoán Mỹ giảm sau chuỗi 10 phiên tăng giá. |
Việc cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng dữ dội vài tháng gần đây giúp nhiều tỷ phú Mỹ giàu lên nhanh chóng. CEO Tesla Elon Musk ghi nhận túi tiền tăng thêm gần 90 tỷ USD từ đầu năm, vượt ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, trở thành người giàu thứ ba thế giới. Elon Musk sở hữu số cổ phiếu trị giá khoảng 115 tỷ USD, còn Zuckerberg có 110 tỷ.
Ông chủ Amazon Jeff Bezos ghi nhận túi tiền hơn 200 tỷ USD, Bill Gates xếp sau với 125 tỷ USD. Vợ cũ của Jeff Bezos có khối tài sản khoảng 66 tỷ USD.
Giá cổ phiếu đồng loạt sụt giảm, trong đó có nhóm cổ phiếu công nghệ, rạng sáng 4/9 khiến các đại gia công nghệ Mỹ mất hàng trăm tỷ USD mỗi doanh nghiệp. Các ông chủ cũng mất vài tỷ USD mỗi người.
Tuy nhiên, cú giảm giá đã được dự báo trước và là điều không thể tránh khỏi trên con đường chinh phục đỉnh cao mới.
Trên CNBC, Giám dốc điều hành Instinet Frank Cappelleri cho rằng chứng khoán Mỹ không cần phải lập kỷ lục mỗi ngày. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng 9 trong 10 phiên gần đây, trong đó có 1 phiên tăng mạnh nhất 2 tháng qua. Do vậy, chứng khoán cần có giai đoạn nghỉ.
Thực tế cho thấy, nhóm cổ phiếu công nghệ thế giới, nhất là cổ phiếu công nghệ Mỹ có triển vọng lớn
Sau khủng hoảng, trend dài của cổ phiếu công nghệ
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, cho rằng, cứ sau mỗi đợt khủng hoàng thì nền kinh tế như được thay máu, phương thức sản xuất, dịch vụ thay đổi. Giai đoạn hiện nay, công nghệ là nền tảng và đã được ghi nhận bởi sự bứt phá 3-4 lần của nhóm cổ phiếu FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google).
Dù tốc độ tăng của các cổ phiếu công nghệ trụ cột Mỹ quá nhanh và có dấu hiệu bong bóng nhưng về cơ bản đây là kỷ nguyên mới của các cổ phiếu công nghệ.
Trong tháng 8, Amazon ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động.
Tesla của Elon Musk cũng tương tự khi giá cổ phiếu đã tăng 10 lần trong một năm qua. Tesla trở thành tập đoàn ô tô có giá trị lớn nhất thế giới, với vốn hóa hơn 400 tỷ USD, gấp hơn 2 lần Toyota của Nhật. Giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn với tương lai ngành công nghiệp ô tô điện.
Microsoft của Bill Gates ghi nhận nhu cầu sử dụng điện toán đám mây (cloud computing) và nhiều dịch vụ khác tăng vọt trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid. Alphabet thì công bố doanh thu quý mới tăng gần 20% so với cùng kỳ và cao hơn so với kế hoạch đề ra nhờ sự gia tăng sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa dưới thời ông Donald Trump. |
Nhu cầu làm việc và giữ liên lạc từ xa giúp Apple đạt doanh thu tăng vọt, có thời điểm lo ngại khả năng thiếu hàng. Tốc độ tăng quy mô vốn hóa của Apple cũng rất ấn tượng, chỉ mất 2 năm để có thêm 1.000 tỷ USD, trong khi để đạt mốc 1.000 tỷ USD đầu tiên cần tới 42 năm.
Giới quan sát nhận định nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ và dịch vụ liên quan sắp tới còn tăng nhanh.
Giá trị của các tập đoàn công nghệ Mỹ dự báo còn tăng trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ-Trung cho thấy sức mạnh áp đảo của các ông lớn công nghệ Mỹ so với các đại gia Trung Quốc.
Cuộc chiến này có thể khiến nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc suy sụp. Lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Huawei Technologies không chỉ khiến tập đoàn - vốn được cho là có Bắc Kinh chống lưng - tới bờ vực sụp đổ, mà còn giáng cú đòn nặng vào nền kinh tế Thâm Quyến. Đặc khu kinh tế với 13 triệu dân này đang phải đối mặt với tương lai u ám. Theo SCMP, niềm tin của giới đầu tư dành cho nền kinh tế và ngành công nghệ Trung Quốc cũng sẽ lao dốc nghiêm trọng.
Chính quyền ông Trump cũng cho biết tới đây Mỹ sẽ cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc sau TikTok, WeChat.
Ngoài ra, cuộc chiến Ấn Độ-Trung Quốc với việc Ấn Độ cấm thêm 118 ứng dụng Trung Quốc (trong đó có Alipay và Baidu) cũng tạo thuận lợi cho các gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Quan hệ Mỹ-Ấn nồng ấm dưới thời ông Donald Trump. Gần đây, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.
M. Hà