Thời gian qua, có những người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Hành động này đang được ví như một “cuộc cách mạng” trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo.
Ở tuổi 84, song gia đình ông bà Ngô Quang Thịnh tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Với suy nghĩ con cái giờ đã lớn, vợ chồng còn sức khỏe nên ông bà không muốn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nữa. Khi viết đơn xin thoát nghèo, ông bà cũng mong để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế.
“Cuộc cách mạng” trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo. |
Trước đó, hồi cuối năm 2015, cụ Lang Văn Tần (83 tuổi, ngụ bản Liên Sơn, xã Lục Dạ) cũng có một "quyết định gây chấn động" khi viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo dù cụ đang nghèo rớt mồng tơi, sống một mình từ 20 năm nay trong căn nhà bằng tre nứa trống hoác.
Trong căn nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài cái quan tài mà cụ đã chuẩn bị sẵn cho mình đang kê ở góc nhà. Cụ Tần kể, khi dự buổi họp bình xét hộ nghèo của năm, thấy nhiều người còn khỏe mạnh giành nhau được hộ nghèo, so sánh nhau từng tí rồi tố nhau, dù được bình xét là hộ nghèo nhưng cụ vẫn quyết định xin rút. “Cứ ngồi hưởng chính sách mãi cũng xấu hổ nên tui phải xin ra thôi”
Ông Vi Văn Diện (61 tuổi, ở bản Xằng, cùng xã Lục Dạ) cũng “gây bão” cho người dân trong xã khi viết đơn “xin rút khỏi hộ nghèo”. “Tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn sức lao động. Hơn nữa con cái trong nhà đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hằng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Tôi không muốn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước”, ông Diện viết.
Nói về phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: Đây là điểm rất đáng ghi nhận về. sự chuyển biến về nhận thức của người dân.
Khi người ta đang ở giai đoạn nghèo, người ta thấy cần phải được Nhà nước hỗ trợ. Khi người ta đủ năng lực, đủ điều kiện mà tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo là thành công của chương trình giảm nghèo quốc gia.
“Trước đây, chúng ta nói có nhiều gia đình không muốn thoát ra khỏi gia đình nghèo, xã không muốn thoát ra khỏi xã nghèo, huyện không muốn thoát ra khỏi huyện nghèo mà muốn giữ lại danh hiệu này - một danh hiệu không vinh quang gì. Nhưng quan trọng là con người của chúng ta, hộ dân của chúng ra dù vẫn còn nghèo nhưng đã biết chia sẻ và khắc phục được cơ bản tình trạng vẫn cứ dựa dẫm vào nghèo đói, không muốn thoát khỏi nghèo đói. Điều đó rất đáng khen ngợi”, ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Lợi cũng gợi ý: "Đây là bài học và tôi nghĩ cơ quan thực thi chính sách, như Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Ủy ban Dân tộc phải tuyên truyền, phát huy, cho đây là điểm đáng khen. Từ hình ảnh này, tôi nghĩ nếu người ta tự nguyện ra khỏi hộ nghèo thì mình phải tuyên ngôn tiếp tục hỗ trợ một vài năm hoặc kề vai sát cánh khi có điều kiện gì đó xảy ra để phát huy nhiều tấm gương sáng như vậy".
“Trong đánh giá tổng kết về hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, chúng ta phải nói thêm quá trình xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự đoàn kết thống kết thương yêu chia sẻ; đây cũng đến lúc đồng bào đã có sự chia sẻ, nhường cơm sẻ áo và người ta thấy mình thoát ra để cho hộ khác được nhà nước hỗ trợ một phần để làm sao ai cũng được phát triển theo đúng mục tiêu thiên niên kỷ là không để ai rớt lại phía sau. Đây là thành tựu rất đáng khen ngợi và tuyên dương”, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.
Thúy Nga