Nước mắt người tha hương

Hai mươi tám năm bị lừa bán sang Trung Quốc, khi được trở về quê nhà, bà Nguyễn Thị Biên (sinh năm 1968), thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) không còn nhanh nhẹn, minh mẫn, tiếng Việt nói không sõi.

Bà kể, học hết lớp 4, bà vừa làm ruộng, vừa tham gia trông trẻ tại thôn. Một lần, bà quen người đàn ông tên Quang nhưng không nhớ người này quê ở đâu. Ông Quang ngọt nhạt rủ bà sang bên Trung Quốc làm ăn cho dễ, đi một thời gian kiếm chút vốn về quê buôn bán.

Hoàn cảnh lúc đó nghèo túng, lại thêm cả tin, mù quáng nên bà đồng ý đi cùng. Hai người lên thẳng cửa khẩu. Sau khi qua biên giới, người đàn ông đó bán bà cho một người Trung Quốc rồi biệt tích. Bà tiếp tục được đưa về ngôi nhà của người Trung Quốc ở vùng nông thôn.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Biên là một trong số những nạn nhân của buôn bán người. 

Khi mới đến, bà bị nhốt ở trong nhà, không cho ra ngoài. Mặc dù rất muốn quay về nhà nhưng bà không biết làm thế nào nên đành chịu đựng. Gia đình người đó ra hiệu, nếu bà muốn trốn, sẽ bị đánh chết.

Sau thời gian bị giam lỏng, họ cho bà tham gia vào công việc đồng áng, trồng rau của gia đình. Khi nào hết việc, bà tiếp tục bị nhốt. Dần dần, bà quên tiếng Việt, quên ngày tháng năm sinh của mình, chỉ nhớ duy nhất mình ở Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Trong một lần cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra hành chính, phát hiện bà là người Việt Nam, không có giấy tờ tùy thân nên đã bắt bà lại 2 tuần. Sau đó, họ đưa đến khu vực giáp biên giới Lạng Sơn, thả ra rồi hướng dẫn về Việt Nam.

Đi cùng bà là 7 phụ nữ khác. Nhóm người phải vượt 10km đường rừng mới về đến Lạng Sơn. Sau nhiều năm không giao tiếp với thế giới bên ngoài nên bà Biên không biết làm sao để về được quê. Đúng lúc đó, bà gặp anh Trần Văn Huỳnh, người xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lên Lạng Sơn làm ăn.

Khi biết được bà Biên là người cùng quê bị lừa bán sang Trung Quốc nhiều năm nên anh Huỳnh đã thuê nhà trọ cho ở tạm và tìm cách liên lạc với gia đình bà. Đồng thời, anh nhờ người quen đăng thông tin lên các trang mạng xã hội, trang cộng đồng của huyện Hiệp Hòa cùng bức ảnh của bà.

Người trong gia đình nhanh chóng nhận ra bà Biên và liên lạc với anh Huỳnh. Sáng 2/8/2019, anh Huỳnh đã đưa bà Biên về UBND xã Đông Lỗ để gặp mặt người thân.

Bữa cơm đầu tiên sau 28 năm xa cách

Bà Biên là con gái thứ 4 trong nhà. Năm 1990 vợ cụ Nhòm qua đời, một năm sau xảy ra sự việc con gái mất tích, người đàn ông này sống trong nỗi buồn từ ngày ấy đến bây giờ.

Hàng chục năm đã trôi qua, cụ Nhòm vẫn nhớ ngày con gái mình biến mất một cách khó hiểu. “Hôm đó là chủ nhật, ngày 2/10/1991 âm lịch. Con gái tôi mang cuốc, quang gánh ra đồng cuốc khoai. Cháu đi từ sáng nhưng đến chiều tối vẫn không thấy quay về nhà. Gia đình tôi đi tìm cháu khắp nơi mà không có bất cứ thông tin gì”, cụ Nhòm kể.

Trong suốt nhiều năm sau, gia đình vẫn mong ngóng thông tin bà Biên. Có lần các anh chị, họ hàng bà Biên đã lên tận Lạng Sơn để tìm kiếm nhưng không có kết quả, phải quay về. Cuối cùng, cụ Nhòm dần mất hi vọng về con gái. Hàng năm, vào ngày 2/10 âm lịch, gia đình vẫn thắp hương như là ngày giỗ của con.

Sáng 2/8/2019, UBND xã Đông Lỗ thông báo gia đình cụ Nhòm lên nhận con gái. Cụ Nhòm cùng các con vội vã lên trụ sở UBND xã. Quá nhiều năm xa cách, bà Biên chỉ nhận ra bố. Câu đầu tiên bà gọi: “Bố ơi” rồi nghẹn lại, không nói được nên lời.

Bà được đưa về gia đình trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, ngẩn ngơ. Theo anh trai bà Biên, hành trang bà mang về chỉ là một túi quần áo cũ, đôi dép, không có bất cứ giấy tờ gì…

Bữa ăn đầu tiên khi con gái trở về sau 28 năm bặt tin, cụ Nguyễn Văn Nhòm (83 tuổi) tự tay vào bếp làm những món mà trước đây con thích. Ngồi bên mâm cơm, bà Biên trực trào nước mắt vì hạnh phúc

Trở về nước được 2 tháng, sức khỏe và tinh thần bà tốt hơn. Bà bắt đầu giúp bố và các em trong việc nấu nướng, dọn dẹp… Ngoài ra, bà còn đi làm tại một công ty nhỏ chuyên về bao bì.

Hơn 2 năm qua, tiếng Việt của bà dần phục hồi, bà nghe và hiểu được nhiều hơn, năng trò chuyện hơn. Mặc dù tinh thần lúc nhớ lúc quên nhưng so với ngày mới về khá hơn rất nhiều. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ sở bà làm thuê gặp ảnh hưởng nên thời gian này bà ở nhà, phụ giúp anh chị việc vặt, cơm nước và trông các cháu. Bà Biên mong mọi thứ trở lại như cũ để mình có thể đi làm, kiếm thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Đại diện UBND xã Đông Lỗ cho biết: “Nạn buôn người vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Việc quan tâm, giúp đỡ những nạn nhân bị buôn bán trở về là một hành động thiết thực. Sau khi bà Biên về nước, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để bà làm giấy tờ nhân thân, nhập khẩu. Hội Phụ nữ xã thường xuyên thăm hỏi, tạo điều kiện để bà có học nghề và có thu nhập”.

Bích Thủy