Cuộc tấn công đẫm máu
Sáng 7/10, nhóm Hamas của Palestine đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ cả trên bộ, trên biển và trên không vào lãnh thổ Israel, với quy mô chưa từng thấy: phóng hàng nghìn quả rocket, đưa lực lượng thâm nhập lãnh thổ Israel và bắt giữ một số lượng lớn con tin. Lực lượng Israel đã đáp trả ngay lập tức với mức độ hết sức nghiêm trọng.
Ít nhất 900 người Israel đã thiệt mạng và 2.600 người bị thương, cùng khoảng 700 người Palestine thiệt mạng và khoảng hơn 3.700 người bị thương.
Giao tranh ở Dải Gaza vẫn chưa dừng lại. Số người thiệt mạng đang tăng lên. Các cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel ở Dải Gaza cũng khiến nhà cửa đổ sụp và nhiều người ở cả hai phía bị thương.
Tính đến chiều 9/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết hơn 123.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza kể từ khi xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel leo thang cuối tuần qua. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước đang trong “tình trạng chiến tranh”. Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid, từng phản đối chính phủ về cải cách tư pháp, cũng bày tỏ sẵn sàng thành lập chính phủ liên minh với Netanyahu.
Theo Hamas, vụ tấn công mới có tên “Cơn hồng thuỷ Al-Aqsa” (Al-Aqsa là tên của nhà thờ Hồi giáo trên Núi Đền ở Jerusalem) là để chứng minh rằng sự tàn bạo của Israel sẽ gây ra hậu quả. Thủ lĩnh phong trào Hamas Mohammed al-Deif trích dẫn việc Israel chiếm đóng bất hợp pháp Bờ Tây, nhiều cuộc truy quét của cảnh sát Israel tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và hàng nghìn chiến binh Palestine đang ngồi tù là những ví dụ cụ thể.
Cuộc tấn công của Hamas diễn ra chỉ một ngày trước dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur, trong đó Ai Cập và Syria đồng loạt tấn công Israel. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu đã nghĩ rằng, thời điểm tấn công này đã được Hamas chọn như một thông điệp.
Thất bại của công tác tình báo và quân sự
Không giống cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, các cơ quan tình báo Israel hiện nay luôn theo dõi chặt chẽ Hamas ở Gaza. Kể từ khi Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005 và Gaza chính thức nằm dưới sự kiểm soát của Hamas vào năm 2007, chiến lược của Israel nhằm vào Hamas là sử dụng sự giám sát chặt chẽ để ngăn chặn bất kỳ cuộc đọ súng nào trong phạm vi Dải Gaza.
Cuộc tấn công của Hamas lần này không chỉ được đánh giá là bất ngờ mà còn được triển khai phối hợp trên biển, trên bộ và trên không, sử dụng rocket để che đậy các cuộc tấn công dưới mặt đất. Đồng thời, Hamas không hành động một mình mà thực hiện các cuộc tấn công chung với các nhóm vũ trang khác (chẳng hạn như Jihad). Rõ ràng, Hamas đã phải mất ít nhất vài tháng chuẩn bị, tổ chức nhân sự, tiến hành huấn luyện tác chiến chung và tích lũy đủ trang thiết bị trong bối cảnh Israel phong tỏa nghiêm ngặt Dải Gaza.
Đây có thể coi là thất bại tình báo cực kỳ nghiêm trọng. Khi cuộc chiến mới nổ ra, dư luận Israel đã tập trung chỉ trích những sai lầm này, các nhà hoạt động chống Netanyahu chỉ ra những cải cách tư pháp của chính phủ trong 6 tháng qua, gây ra các cuộc phản đối trong quân đội, trong khi những người ủng hộ Netanyahu đổ lỗi cho cơ quan tình báo.
Israel tính toán rằng Hamas tiếp tục tấn công nước này vì “nhu cầu chính trị” là muốn cho người dân thấy Hamas cứng rắn với Israel để giành được sự ủng hộ của dư luận với các tổ chức vũ trang mới nổi cấp tiến hơn khác. Tại sao Hamas lại bắt đầu cuộc tấn công vào lúc này?
Trước hết, Hamas đã lợi dụng tình trạng tê liệt chính trị kéo dài ở Israel: Sau một loạt cuộc bầu cử sớm, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lên nắm quyền, và chính phủ này đang phải bảo vệ thủ tướng khỏi bị truy tố. Những bất đồng trong xã hội Israel về cải cách tư pháp là nguyên nhân dẫn tới 10 tháng biểu tình rầm rộ có cả binh lính tham gia, khiến 1/4 người Israel cân nhắc việc rời khỏi đất nước. Trong khi đó, giới tinh hoa Israel đang cân nhắc việc đưa bản thân, gia đình và tiền bạc ra khỏi đất nước.
Thứ hai, cuộc tấn công đẫm máu ngày 7/10 có liên quan đến phản ứng của Israel và việc nối lại quan hệ hợp tác với một số quốc gia Arab. Saudi Arabia đang thảo luận việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Là một phần trong thỏa thuận tiềm năng đó, Mỹ đang gây sức ép buộc Israel phải nhượng bộ Chính quyền Palestine (PA) – đối thủ của Hamas. Vì thế, đây là cơ hội để Hamas và có thể là cả Iran - người bị cáo buộc là hậu thuẫn cho Hamas, tìm cách phá vỡ các thoả thuận này.
Nguyên nhân thứ ba, đó là người Palestine từ lâu đã thất vọng vì những yêu cầu về một nhà nước và quyền lợi của họ không còn nằm trong số các ưu tiên của cả các đồng minh Arab cũng như Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU). Những tay chơi lớn trong nền chính trị thế giới đang bận rộn ở những nơi khác. Trong khi đó, sự cạnh tranh và căng thẳng giữa Iran, quốc gia muốn trở thành cường quốc khu vực và Saudi Arabia, quốc gia đang tìm cách làm điều tương tự, đang gia tăng.
Cuộc chiến có nguy cơ lan rộng
Diễn biến duy nhất gần như chắc chắn hiện nay là Israel sẽ tiến hành các cuộc không kích và truy quét quy mô lớn ở Gaza (lần đầu tiên kể từ năm 2014) và tình hình leo thang là không thể tránh khỏi. Mục tiêu của nó ở Gaza có thể không chỉ là trừng phạt Hamas như trước đây mà là để đảm bảo rằng các cuộc tấn công tương tự sẽ không xảy ra nữa, như Netanyahu đã nói. Điều này dường như có nghĩa là Israel sẽ không tiếp tục chính sách an ninh bao vây Gaza nữa mà sẽ trực tiếp trấn áp Hamas và các tổ chức vũ trang khác ở Gaza ở cự ly gần. Đây là cuộc chiến lâu dài của quân đội Israel nhằm chiếm đóng Dải Gaza.
Trong một dấu hiệu cho thấy xung đột có thể lan rộng ra ngoài Gaza, lực lượng dân quân Hezbollah ở Liban được Iran hậu thuẫn và Israel đã bắn đạn pháo và tên lửa qua lại. Ở Alexandria, hai du khách Israel và hướng dẫn viên người Ai Cập bị bắn chết.
Nếu chỉ cần đối phó với riêng Gaza thì đây cũng sẽ là cục diện mà Israel có thể kiểm soát. Nhưng nếu xảy ra một cuộc giao tranh lớn khác ở Bờ Tây và Hezbollah ở Liban tham gia vào cuộc chiến, Israel sẽ phải đối mặt với một tình thế khó khăn bị bao vây bởi kẻ thù từ ba phía.
Bố cục địa chính trị bị phá vỡ
Cho dù cuộc chiến này diễn biến theo hướng nào, bố cục địa chính trị của Israel trong những năm gần đây cũng đã bị phá hủy. Những năm qua, bất kể Chính phủ Israel dưới thời Netanyahu làm tổng thống hay không, kế hoạch của Israel trong khu vực là hòa giải với thế giới Arập.
Tuy nhiên, cuộc đột kích lần này của Hamas cho thấy vấn đề Palestine tuy nhỏ nhưng lại là một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ liên tục nếu không được giải quyết thỏa đáng. Nếu Israel thay đổi chiến lược phong tỏa Gaza bằng "nhà tù ngoài trời", chuyển sang gửi quân đến để kiểm soát khu vực này, thì xung đột Israel-Palestine sẽ leo thang hơn nữa ở Gaza. Ngay cả khi thế giới Arập đứng sang một bên, nó sẽ phá hủy hoàn toàn cục diện địa lý của Israel.
“Giải pháp hai nhà nước” luôn là giải pháp duy nhất cho vấn đề Israel Palestine. “Giải pháp hai nhà nước” nhìn có vẻ dễ dàng, nhưng các chi tiết lại đầy khó khăn. Tuy nhiên sau hơn 2 thập kỷ, ít người còn thực sự tin rằng “giải pháp hai nhà nước” là phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, không có định hướng và tầm nhìn tương lai nào có thể mang lại hòa bình, hòa hợp lâu dài giữa Israel và Palestine như “giải pháp hai nhà nước”.
Nếu Israel chỉ dùng sức mạnh cứng để đàn áp người Palestine đang trong đau khổ thì vấn đề Israel-Palestine hay vấn đề Palestine sẽ luôn là quả bom hẹn giờ tiếp tục phát nổ. Bất kể ai thắng trong cuộc chiến mới ở Dải Gaza, tình hình bất ổn sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Hoàng Việt