Xem lại bài 1: Điều làm nên ‘Kỳ tích sông Hàn’

Những chaebol toàn cầu

Các chaebol không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quốc gia mà còn là nhân tố quan trọng chuyển đổi kinh tế đất nước, đưa nền sản xuất Hàn Quốc lên tầm cao, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu thâm dụng công nghệ cao, nổi tiếng về chất lượng và sự sáng tạo. Sức mạnh công nghệ của các chaebol còn tạo ra sức mạnh, sự ảnh hưởng toàn cầu của đất nước Hàn Quốc.

Trong số các chaebol điển hình là người "anh cả" Samsung. Năm 2022, riêng Samsung Electronics đạt doanh thu hơn 234 tỷ USD, đóng góp hơn 13% GDP Hàn Quốc.

Thật khó có thể phủ nhận các chaebol nhận được không ít ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, nhất là trong suốt gần 20 năm cầm quyền của Tổng thống Park nhưng đó chỉ là điều kiện cần, mới chỉ là một bàn tay “chưa thể làm nên tiếng vỗ” mà cần có bàn tay thứ hai là đội ngũ lãnh đạo chaebol có “tài cao chí lớn”.

Họ luôn bị ám ảnh, thôi thúc bởi mục tiêu bắt kịp và vượt các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Nhật Bản. Họ có ý thức rất rõ ràng, năng lực công nghệ là yếu tố quyết định số phận của họ, thịnh vượng hay tàn lụi tùy thuộc vào năng lực công nghệ. Do vậy, họ luôn có quyết sách táo bạo, đột phá để cải thiện năng lực công nghệ để sinh tồn và phát triển trong thị trường toàn cầu cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Chính sách sáng suốt, khôn ngoan của chính phủ và tài cao chí lớn của đội ngũ lãnh đạo chaebol là hai yếu tố cốt lõi mang lại sự phát triển vượt bậc về công nghệ của các chaebol Hàn Quốc. Hai bàn tay đó vỗ đều nhịp nên mang lại thành công lớn, các yếu tố cốt lõi tạo nên sự “đều nhịp” đó đến từ cả hai phía.

Các chaebol được nhận nhiều ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích lớn. Chẳng hạn, các chaebol không chỉ được vay với lãi suất thấp mà còn được các ngân hàng bảo lãnh để vay nợ nước ngoài nhưng kèm theo phải hoàn thành các mục tiêu đầy tham vọng. Tổng thống Park, qua đội ngũ thư ký, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các mục tiêu, chương trình đó. Ông sẵn sàng bảo vệ họ trước các thất bại tạm thời nhưng cũng nghiêm khắc, lạnh lùng loại bỏ, cho phá sản những chaebol thua lỗ, không hoàn thành mục tiêu, không có triển vọng phát triển. 

Bởi vậy, bản thân các chaebol phải cạnh tranh với nhau để tồn tại và phát triển.

Chính sách khuyến khích hướng các chaebol cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thị trường toàn cầu. Do vậy, buộc các chaebol không ngừng cải thiện năng lực công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Với nguồn tài chính dồi dào, sự chống lưng, hỗ trợ đắc lực của chính phủ cho phép các các chaebol đầu tư lớn cho R&D, theo đuổi chiến lược lâu dài, đầu tư và phát triển công nghệ đột phá mà không ảnh hưởng lớn đến tài chính.

Điển hình là Samsung đầu tư lớn cho R&D kể từ những năm 1980, là chìa khóa then chốt đưa Samsung trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử trên thế giới. 

Hiện nay, Samsung tiếp tục đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến, bao gồm cả công nghệ AI, IoT và 5G. Công ty cũng đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình đến các thị trường toàn cầu, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ, trở thành một trong những nhà sản xuất điện tử và công nghệ hàng đầu trên toàn thế giới. 

Các chaebol thuộc quyền sở hữu gia đình nên các lãnh đạo chaebol “sống chết”, lao tâm khổ tứ để phát triển công ty. Họ ra các quyết định nhanh, táo bạo hơn và theo đuổi chiến lược dài hơi hơn mang lại những kết quả đột phá, vượt trội.

Điển hình như quyết định sản xuất chất bán dẫn của nhà sáng lập Samsung Lee Byung-chul vào năm 1982, bất chấp sự phản đối của đội ngũ quản lý vì đây là lĩnh vực khó, khổ, phức tạp, vốn rất lớn, rủi ro cao.

Tuy nhiên, ông vẫn quyết định làm. Ông đặt niềm tin sâu sắc, trao quyền tự quyết  cùng nguồn tài chính lớn cho hai CEO tài năng Yun Jong-yong và Kwon Oh-hyun thực hiện. Sau 7 năm thua lỗ, lĩnh vực chất bán dẫn đã thu về lợi nhuận lớn, đến năm 1992 Samsung trở thành nhà sản xuất vi mạch lớn thứ 2 thế giới sau Intel.

Đây là nền tảng cho hệ thống nhà máy điện thoại bàn và fax của Samsung, sau này là nhà máy điện thoại di động, điện thoại thông minh. Ngày nay, chip điện tử của Samsung Electronics và SK Hynix là chìa khóa của công nghệ tương lai.

Tinh thần làm việc hăng say của người Hàn

Sự phát triển bứt phá thần tốc về KH&CN của Hàn Quốc còn là kết quả của tinh thần “tầm sư học đạo”, làm việc hăng say của người Hàn. Tinh thần cầu thị của người Hàn rất mạnh mẽ, họ luôn tìm đến người thầy giỏi nhất để học, họ học từ người Nhật, người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Ý. Họ miệt mài học để thay đổi số phận cá nhân, số phận doanh nghiệp/tổ chức, số phận đất nước.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực đưa các chuyên gia và người lao động trẻ tuổi sang nước ngoài để học hỏi kiến thức về công nghệ và kỹ thuật, đồng thời mang nhiều phương pháp sản xuất về nước và gia tăng khả năng đổi mới.

Cùng với đó, người Hàn có tâm thế làm việc rất tích cực, hăng say, khẩn trương, có tinh thần trách nhiệm cao, cống hiến hết mình cả ở khu vực tư và khu vực công. Đó chính là giá trị, là linh hồn ẩn sâu bên trong bộ máy nhà nước, bên trong các chaebol và mỗi người dân Hàn Quốc. Chính tinh thần này tạo ra sự khác biệt đem đến thành công cho đất nước Hàn Quốc.

Bản thân Tổng thống Park Chung Hee rất coi trọng tinh thần làm việc, điều mà ông học được từ người Nhật và do vậy, đã thiết lập và luôn giữ vững sợi dây truyền dẫn về tầm nhìn và tinh thần làm việc hăng say, tinh thần trách nhiệm cao từ công chức, doanh nghiệp/tổ chức cho tới toàn thể người dân Hàn Quốc.

Các chaebol là nhân tố quan trọng đưa nền sản xuất Hàn Quốc lên tầm cao, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu thâm dụng công nghệ cao

Ông sử dụng cả biện pháp tài chính và phi tài chính để khơi dậy, thúc đẩy tinh thần làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước. Ông đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, công chức có nhận thức và niềm tin sâu sắc rằng công việc nhà nước là phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước chứ không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống.

Công sở là nơi có kỷ cương nghiêm minh như vị trí đáng tôn vinh chứ không phải là nơi “chia chác” lợi ích, chức tước. Quyền cao chức trọng là để thực hiện hoài bão, sứ mệnh cao quý, để góp phần đưa Hàn Quốc phát triển hùng cường chứ không phải để vinh thân phì gia.  

Những điều suy ngẫm

Chúng ta thường nhìn vào vẻ ngoài về sự bứt phá thần tốc của Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực trong đó có KH&CN giống như nhìn hoa của một cái cây và xem đó là “thần kỳ”, là “phép màu” mà ít chịu thấy rằng để có được những bông hoa rực rỡ như vậy. Hàn Quốc đã trải qua quá trình “lột xác” với “cái giá” phải trả không hề nhẹ của cả một thế hệ khởi đầu từ chính quyền của Tổng thống Park Chung Hee đầu thập kỷ 1960.

Phép màu về KH&CN của Hàn Quốc được tạo nên bởi tài năng, cái tâm, cái tầm, ý chí phi thường, quyết tâm sắt đá, sự đồng tâm hiệp lực trên dưới một lòng, sự hy sinh lớn lao của cả một thế hệ. Đây chính là chìa khóa, là con đường ngắn nhất đã được Hàn Quốc dùng để biến cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba thành động lực đưa đất nước phát triển thịnh vượng trên nền tảng KH&CN, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển.  

Với Việt Nam, CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội để chúng ta bắt kịp các nước phát triển nhưng với năng lực KH&CN và nguồn nhân lực hiện tại thì chưa đủ sức đưa đất nước ta vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần dồn lực thực hiện cải cách với tốc độ nhanh, sự đột phá về thể chế, chính sách trong thu hút và trọng dụng nhân tài, sự đầu tư tới ngưỡng, có trọng tâm, trọng điểm tạo “cú hích” tạo đà cho KH&CN phát triển bứt phá, cho giáo dục đại học Việt Nam cất cánh. Từ đó cũng đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng đưa đất nước “vượt bẫy thu nhập trung bình” thành công, trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Cứ chần chừ “vừa đi vừa dừng” chỉ khiến chúng ta tiếp tục bị tụt lại phía sau và việc bắt kịp lại càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đây là việc “khó và khổ” trong khi thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, ý chí sắt đá, sự chung tay của toàn thể dân tộc Việt Nam, của các nhà lãnh đạo.

Có như vậy mới tạo được những chuyển biến lớn, đưa đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững trên nền tảng KH&CN xứng tầm với một đất nước có quá khứ hào hùng với lịch sử ngàn năm văn hiến. Dân tộc Việt Nam vốn tiềm ẩn sức mạnh to lớn, khi được khơi nguồn sức mạnh đó sẽ trỗi dậy mãnh liệt.

Phạm Mạnh Hùng