-Trong bối cảnh có gần 68.000 doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể trong năm nay, người lao động đã “không dại gì” đòi tăng tiền lương, tiền thưởng bằng “công cụ” xung đột khi ở thời điểm này, đối với họ, có được một việc làm với mức thu nhập ổn định đã quá tốt.

Sợ xung đột quan hệ lao động tăng

Tới thời điểm này, các thông tin về thưởng Tết và mức lương bình quân đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố.

Tuy nhiên, vẫn có sự lo lắng từ phía cơ quan quản lý nhà nước khi ngay trong chính một cuộc họp báo gần đây, ông Tống Văn Lai, phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương thuộc Bộ này đã phải đề nghị truyền thông đưa đúng và chừng mực về thông tin lương thưởng “để tránh các cuộc đình công”. 

“Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí thông tin khách quan và có chừng mực, vì cuối năm là thời điểm nhiều cuộc đình công xảy ra và rất có thể sẽ có thêm nhiều cuộc đình công vì chuyện lương thưởng”, ông Tống Văn Lai nhấn mạnh.

Sự lo lắng của ông Tống Văn Lai về việc có thể gia tăng các cuộc xung đột quan hệ lao động vào thời điểm sát Tết Nguyên đán là có cơ sở.

Bởi như những năm trước, cuối năm thường là dịp cao điểm khi có tới hơn 80% các cuộc xung đột xảy ra vào thời điểm này và khoảng 70% trong số đó xuất phát từ chuyện lương thưởng Tết. Ngoài chuyện lương tăng chậm, thưởng ít, ở nhiều doanh nghiệp, việc chậm công bố thưởng Tết có thể cũng là một lý do dẫn đến xung đột.

{keywords}
Ảnh minh họa: dantri.com

Để hạn chế các cuộc đình công vì lý do này, cách đây bảy năm, việc tổng hợp và công khai thông tin về thưởng Tết bắt đầu được thực hiện. Theo đó, các cơ quan lao động theo ngành dọc, các Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp tổng hợp từ doanh nghiệp và báo cáo về thưởng Tết. Tuy nhiên, trong thực tế số doanh nghiệp báo cáo cũng không nhiều. Như năm nay là 13.189 doanh nghiệp ở 17 tỉnh, thành phố và 3 vùng kinh tế trọng điểm báo cáo về thưởng Tết trong tổng số khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Bởi vậy, ông Lai trong khi công bố các số liệu tổng hợp về thưởng Tết đã liên tục nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp báo cáo rất ít và không mang tính đại diện cho đa số. Điều mà ông Lai muốn thông tin là, việc thưởng Tết tùy thuộc vào tình hình cụ thể ở từng doanh nghiệp. Tránh chuyện sau khi công bố mức thưởng trung bình, người lao động thấy mình không được tới mức đó là phản ứng.

Tuy nhiên, trả lời một câu hỏi khác về các cuộc xung đột của năm nay, ông Lai cho biết, số lượng đã giảm đi 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều “kỳ lạ” là, trong bối cảnh tiền lương thực tế và thưởng Tết tăng không nhiều nhưng ba năm gần đây, các cuộc xung đột liên tục giảm. Vậy, xem ra còn có lý do khác dẫn đến các cuộc xung đột mà không hẳn chỉ từ nguyên nhân lương thưởng.

Lương, thưởng có phải nguồn gốc mâu thuẫn?

Số liệu công bố tiền lương bình quân của năm nay cho thấy, tiền lương thực tế của người lao động đã tăng không nhiều, dù lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng từ 10- 15% từ đầu năm. Cụ thể, mức lương bình quân năm 2014 là 5,11 triệu đồng/tháng, chỉ tăng 6% so với năm 2013 trong khi những năm trước, mức lương bình quân thường tăng khoảng 13- 15%, gần tương đương với tỷ lệ tăng lương tối thiểu.

Như vậy, mức lương này hầu như chỉ tăng do tiền đóng bảo hiểm xã hội tăng khi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu. Nếu so tỷ lệ tăng tiền lương thực tế 6% với mức trượt giá được tính toán là 4,08% năm 2014 thì mức thu nhập của người lao động hầu như không được cải thiện.

Nhưng trong bối cảnh khó khăn đó, số cuộc xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động lại giảm 20% mà lẽ ra nó phải tăng (theo logic)!

Theo số liệu thống kê từ Ban Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động), hầu hết xung đột xảy ra tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Số liệu thống kê các cuộc xung đột theo năm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, hai năm có số lượng các cuộc xung đột xảy ra nhiều nhất là năm 2008 với 720 vụ và năm 2011 là 857 vụ. Câu hỏi đặt ra là vì sao xung đột quan hệ lao động lại xảy ra nhiều ở các vùng kinh tế trọng điểm và xảy ra nhiều vào các năm đó?

Từng phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho rằng, số lượng các cuộc xung đột có quan hệ mật thiết với độ “nóng” của thị trường lao động.

Cụ thể, ở các năm kinh tế tăng trưởng tốt và các vùng kinh tế trọng điểm khan hiếm lao động các cuộc đình công diễn ra nhiều. “Khi khan hiếm lao động xảy ra, những cuộc đình công như là cách để người lao động “mặc cả” lại với chủ sử dụng về mức tiền lương của mình”, ông Cường nhận xét. Do vậy, ở những vùng kinh tế trọng điểm, lương thực tế của người lao động thường cao hơn mức trung bình chung do “công cụ mặc cả” là các cuộc đình công.

Ở những vùng khác nguồn lao động không khan hiếm bằng, hoặc ở những năm kinh tế tăng trưởng thấp, việc làm được tạo ra ít hơn, các cuộc xung đột đã giảm bớt. Trong bối cảnh có gần 68.000 doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể trong năm nay, người lao động đã “không dại gì” đòi tăng tiền lương, tiền thưởng bằng “công cụ” xung đột khi ở thời điểm này, với họ, có được một việc làm với mức thu nhập ổn định đã là quá tốt!

Do vậy, trong khi cơ quan quản lý nhà nước lo lắng thì thị trường lao động đang vận động theo cách riêng của nó mà chính họ cũng chưa “bắt mạch” ra!

Tây Giang