Thị trường tín dụng tiêu dùng năm 2017 phát triển mạnh. Bên cạnh lợi ích mang lại, cho vay tiêu dùng bùng nổ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của một bộ phận người tiêu dùng và đe dọa tới sự phát triển chung của ngành tài chính Việt Nam.
Cán mốc 1 triệu tỷ đồng
Báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao trong năm 2017. Tính đến hết tháng 11/2017, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59%, so với cuối năm 2016.
Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng năm 2016 đạt 646 ngàn tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng như trên, năm 2017 cho vay tiêu dùng đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà đất, xây dựng, sửa chữa, thuê nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%. Còn lại là cho vay mua đồ gia dụng, phương tiện đi lại, vay kinh doanh nhỏ, vay cá nhân như mua thời trang, điện thoại, mỹ phẩm, làm đẹp,...
Tín dụng tiêu dùng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tín dụng đen (ảnh Ngọc Thắng - minh họa). |
Theo các tổ chức tín dụng, những khoản vay nhỏ, phục vụ nhu cầu cá nhân hay mua đồ dùng gia đình, sửa chữa nhà ở, mua xe máy, kinh doanh nhỏ,... năm 2017 ước tăng trên 20%, chiếm gần 40% tỷ trọng vay tiêu dùng. Động lực tăng trưởng cho phân khúc này là cơ cấu dân số trẻ, có thu nhập ngày càng cao.
Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi 20-59. Nhờ thu nhập bình quân tăng, cùng những thay đổi thói quen tiêu dùng, đã mang đến tiềm năng lớn cho thị trường tín dụng tiêu dùng. Các tính toán cho thấy, chỉ cần 10 triệu người vay tiêu dùng, với mức bình quân 50 triệu đồng/người/năm, thì tổng số tiền cho vay đã lên 500 ngàn tỷ đồng.
Các thống kê cho thấy, năm 2017 tín dụng tiêu dùng phục vụ hơn 20 triệu lượt khách hàng trên cả nước. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân.
Triển vọng của thị trường cho vay tiêu dùng là rất lớn. Các dự báo cho thấy, trong vòng 5 năm tới còn tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Chính vì vậy, nhiều tổ chức tín dụng trong năm 2017 đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Có rất nhiều gói cho vay tiền, từ 50-500 triệu đồng, để giải quyết việc gia đình như mua xe máy, tivi, tủ lạnh, mua nhà,... từ các tổ chức tài chính mà không cần thế chấp tài sản.
Bóng dáng tín dụng đen
Tuy nhiên, vay tiêu dùng phát triển đột biến cũng ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của một bộ phận người tiêu dùng, tạo ra những rào cản, hạn chế sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017, cơ quan này nhận được không ít khiếu nại từ người tiêu dùng, về việc phải vay tiêu dùng với lãi suất quá cao.
Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng tính lãi suất cao như tín dụng đen, thậm chí đòi nợ cũng kiểu xã hội đen (ảnh Ngọc Thắng - minh họa) |
Có nhiều trường hợp hồ sơ gửi tới Cục, lãi suất thể hiện trên hợp đồng từ 3-5%/tháng, trong khi theo nhân viên tư vấn thông báo thì lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng. Có khách vay phải chịu những khoản phạt mà trước đó không được thông báo, hoặc kỳ hạn cho vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn được thông báo, trong lúc tư vấn, dẫn đến số tiền trả nợ tăng lên.
Với những trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn thì bị gọi điện, nhắn tin đe dọa, gây tâm lý bất an. Một số trường hợp người tiêu dùng đã phải chuyển nhà, tắt điện thoại để tránh nguy cơ bị đe dọa từ hoạt động thu hồi nợ.
Thực tế tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy, các đơn vị cho vay đã thực hiện nhiều thủ thuật nhằm che giấu thông tin, hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng. Các thông tin bao gồm lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng,...
Một số đơn vị cho vay không thực hiện thẩm định thông tin của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay. Ngoài ra, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng nghiên cứu, tạo tâm lý để người tiêu dùng ký hợp đồng khi chưa nắm rõ nội dung.
Trên thực tế, nhiều khách hàng đã từng vay tiêu dùng phản ánh, lãi suất cuối cùng họ phải chịu tính ra từ 4-6%, thậm chí có người tới 9%/tháng. Theo tính toán, với lãi suất vay từ 4-6%/tháng tương đương với số tiền phải trả từ 1.500-2.000 đồng/1 triệu/ngày. Đây là mức rất cao đối với người vay, tương đương lãi suất tín dụng đen hiện nay. Phải chịu lãi suất vay ngang với tín dụng đen, trong khi không trả nợ đúng hạn cũng bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
Nhiều nhận xét cho rằng, lợi ích của tín dụng tiêu dùng là rất lớn. Với tín dụng tiêu dùng, người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, dưới sự quản lý và bảo vệ của pháp luật. Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tín dụng đen. Nhưng với cách cho vay như trên của một số công ty tài chính thì điều này chưa hẳn đúng.
Bùng nổ cho vay tiêu dùng cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Bởi lĩnh vực vay tiêu dùng phát triển mạnh, nhất là với những quốc gia có thu nhập thấp thường có rủi ro rất cao.
Báo cáo tài chính quý 3/2017 của một ngân hàng TMCP có mảng vay tiêu dùng phát triển mạnh cho thấy, nợ xấu đã lên mức 3,1%, cao hơn mức bình quân của toàn ngành ngân hàng.
Sau thời gian đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ngân hàng này luôn đối mặt với tình trạng nợ quá hạn rất cao từ công ty tài chính trực thuộc. Đến cuối tháng 9/2017, nợ quá hạn của mảng tài chính tiêu dùng là 4.750 tỷ đồng. Con số này đã tăng liên tục trong 2 năm qua. 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã phải sử dụng dự phòng để xử lý gần 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó cho vay tiêu dùng chiếm tới 78%.
Những hệ lụy nêu trên của tín dụng tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính mà còn đe dọa tới sự phát triển chung của ngành tài chính Việt Nam.
Trần Thủy