“Cứ khoảng 28, 29 tháng Chạp Tết, các doanh nghiệp tung ra sản phẩm với mức giá thấp hơn mặt bằng thị trường. Lúc này, sau khi nhận lương, thưởng, người lao động, công nhân được mua hàng giá hợp lý. Mỗi người có thể chỉ bỏ 1-2 triệu đồng mua sắm nhưng đó là cái Tết tươm tất của họ”, đây là phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khi nói về ý nghĩa của chương trình “Bình ổn thị trường giai đoạn 2002-2022” tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện, diễn ra ngày 29/12.
Theo đó, chương trình như một “đặc sản” của TP.HCM, có tác động xã hội, góp phần tạo kênh mua sắm đồ dùng thiết yếu cho người dân trong bối cảnh địa phương còn một bộ phận người nghèo, công nhân, người lao động thu nhập thấp phải chịu tác động đầu tiên, trực tiếp khi giá cả hàng hóa biến động.
Bên lề sự kiện, bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Công ty Ba Huân - cho biết, doanh nghiệp tham gia từ năm đầu tiên của chương trình. Một mặt, đơn vị giúp giữ nền giá cả hàng hóa của thành phố lúc đột biến, giảm giá sâu dịp cận Tết để kích cầu. Mặc khác, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, đi tới khu dân cư, khu lao động luôn được người dân đón nhận.
Cũng tham gia hoạt động bình ổn giá từ ngày đầu, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan - ông Nguyễn Đăng Phú - nhận xét, doanh nghiệp tham gia bình ổn là những doanh nghiệp lớn, chuyên các ngành chủ lực. Khi có biến động về giá nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp và cơ quan liên quan sẽ ngồi lại cùng nhau, đưa ra mức giá bán hợp lý cho người tiêu dùng, đem đến sự an tâm cho xã hội.
Về phía đơn vị phân phối, Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức cho hay, quá trình phát triển điểm bán bình ổn giá thị trường gắn với kế hoạch phát triển của đơn vị. Doanh nghiệp đã mở rộng điểm bán bình ổn ra 43 tỉnh/thành trên cả nước. Hoạt động bình ổn giá luôn gắn với hoàn cảnh người dân còn khó khăn, đây là đặc điểm của chương trình trong 20 năm qua khiến người dân có tình cảm đặc biệt với hoạt động này.
Bắt đầu thực hiện từ Tết Nhâm Ngọ 2002, chương trình bình ổn thị trường có nguyên tắc điều chỉnh giá bán linh hoạt; đảm bảo khả năng dẫn dắt thị trường và luôn thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.
Từ 2 doanh nghiệp tham gia ngày đầu, đến nay, chương trình đã có 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng tham gia như Vissan, Ba Huân, C.P Việt Nam, Vĩnh Thành Đạt,... Các hệ thống phân phối tại thành phố góp mặt như MM Mega Market, Satra, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op... Với cơ chế xã hội hóa, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn quy mô lớn từ Vietcombank, Agribank, Sacombank, BIDV,...
Chương trình hiện hoàn toàn xã hội hóa, quy mô ngày càng lớn. Tính chung giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước chỉ ứng vốn mồi 282 tỷ đồng vào năm 2012, tới nay, tổng doanh thu chương trình bình ổn thị trường ước đạt 189.095 tỷ đồng, báo cáo từ UBND thành phố.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá, chương trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hoá, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014...
“TP.HCM có 10.983 điểm bán hàng bình ổn. Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước”, bà Thắng nói.